Kỳ lân công nghệ VNG dự kiến có năm thứ 3 thua lỗ tiên tiếp

VNG lên kế hoạch lỗ 572 tỷ đồng trong năm nay, trở thành năm thứ 3 thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2021.

Báo Dân trí đưa tin, theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa được công bố, VNG lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022.

Kỳ lân công nghệ VNG dự kiến có năm thứ 3 thua lỗ tiên tiếp.
Kỳ lân công nghệ VNG dự kiến có năm thứ 3 thua lỗ tiên tiếp.

Đáng chú ý, sau mức lỗ kỷ lục 1.533 tỷ đồng của năm 2022, năm nay VNG dự kiến hạ mức sau thuế năm 2023 xuống còn 572 tỷ đồng. Nếu theo đúng kế hoạch, đây là năm thứ 3 liên tiếp kỳ lân công nghệ ghi nhận lợi nhuận âm.

Quý I/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 20% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ gần 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 16 tỷ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận, ban lãnh đạo VNG cho biết do nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chủ lực như trò chơi điện tử, ví điện tử, quảng cáo nên HĐQT đề xuất giữ lại nguồn tiền và không chia cổ tức năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến cuối năm ngoái đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo báo Đầu tư, về nhân sự, ngày 22/3/2023, Công ty nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Lê Quốc Anh, vì vậy, Công ty trình cổ đông kế hoạch miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Được biết, ông Nguyễn Lê Quốc Anh sinh năm 1966, Thành viên HĐQT độc lập của VNG từ tháng 12/2022. Ông có bằng tiến sĩ công nghệ hạt nhân tại Hoa Kỳ, có kinh nghiệm nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều tổ chức lớn. Ông từng Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư của T-Mobile (2011-2015); và Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank (2015-2020).

Bên cạnh đó, VNG dự kiến thay đổi phương án xử lý hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Trước đó, tại Đại hội năm 2022 đã phê duyệt phương án xử lý đối với số cổ phiếu này là chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông qua thủ tục phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể giải quyết theo phương án nêu trên.

Do vậy, Hội đồng quản trị VNG đang cân nhắc phương án mới để xử lý số cổ phiếu này để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định. Phương án sẽ được hoàn thiện và trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNZ của VNG  bị hạn chế giao dịch từ ngày 25/5, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Nguyên nhân là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Cổ phiếu VNZ lập đỉnh với mức giá 1.562.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 2 năm nay và trở thành cổ phiếu có giá đắt nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, VNZ quay đầu giảm. Đến nay, thị giá VNZ đã giảm 50% so với mức đỉnh, đang giao dịch quanh vùng giá 755.000 đồng/cổ phiếu.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục