Tăng trưởng tốt nhờ nền tảng mạnh và cơ cấu đa dạng
Theo thông tin mới nhất từ Đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau chuyến làm việc với các bộ, ngành Việt Nam chung quanh hệ thống chính sách cũng như tình hình kinh tế, tài chính trong nước, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu tốt trước các căng thẳng thương mại và bất ổn tài chính trên thế giới.
Dù ảnh hưởng tiêu cực phần nào đã thể hiện ở sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán nhưng không thể lấn át tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, với GDP năm 2018 tiếp tục tăng cao nhất 10 năm qua (7,08%).
Kết quả của sự tăng trưởng đồng đều ở mọi lĩnh vực được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tốt về thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đô thị, từ khu vực chế biến, chế tạo, từ dòng tiền của du lịch, kiều hối và đầu tư trực tiếp (FDI).
Tuy nhiên, trước các điều kiện bất lợi bên ngoài, các chuyên gia của IMF cũng dự báo năm nay tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm tốc về còn 6,5%. Dù vậy, nền kinh tế vẫn khả quan nhờ có yếu tố nền tảng mạnh, cơ cấu thương mại đa dạng, Chính phủ cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và định hướng tăng trưởng lấy khu vực tư nhân là động lực chính. Do đó, lạm phát dù có thể nhích nhẹ nhưng vẫn dưới mức tăng 4% như mục tiêu của Chính phủ.
Tài chính chuyển biến tích cực, kinh tế “kháng sốc” tốt hơn
Cũng theo đánh giá của đoàn chuyên gia IMF, thâm hụt ngân sách khu vực Chính phủ đã giảm đáng kể giai đoạn 2016-2018. Cùng với đó là các quy định ngày càng chặt chẽ hơn về cấp bảo lãnh cho khoản vay mới đang giúp nền tài chính công Việt Nam vững mạnh lên.
Nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 60% GDP hồi năm 2016 về còn 55,5% GDP vào cuối năm 2018 vừa qua. “Các cơ quan chức năng Việt Nam cần tiếp tục củng cố tài khóa để có thêm dư địa; thu hẹp giữa chi an sinh xã hội và chi đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị ứng phó với thách thức về già hóa dân số”, bản tuyên bố của đoàn chuyên gia IMF khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia IMF cũng đánh giá cao sự cải thiện hạ tầng và phát triển của thị trường vốn tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch chuyển dần chính sách phân bổ hạn mức tín dụng theo kiểu “hành chính” thành phương thức điều tiết có tính “thị trường”.
Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã trao quyền tự quyết định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hằng năm cho các ngân hàng đã được thẩm định đáp ứng Chuẩn Basel 2 - động lực để các nhà cho vay “đua” nhau tự củng cố, tăng cường tiềm lực tài chính; hay cách điều hành tỷ giá linh hoạt, “cổ vũ” đồng nội tệ cũng giúp kinh tế Việt Nam hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài. “Ngân hàng nhà nước nên tiếp tục tích lũy dự trữ quốc tế, củng cố hệ thống chính sách và quy định về an toàn vĩ mô”, người dẫn đầu đoàn chuyên gia IMF Alex Mourmouras nêu tham vấn.
Ngoài ghi nhận về nỗ lực phòng chống tham nhũng, người đại diện nhóm chuyên gia IMF cũng cho rằng nền tảng kinh tế vững mạnh giúp Việt Nam có thể “dấn tới” những bước cải cách mạnh mẽ hơn nhằm tạo môi trường bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân và giải quyết sự méo mó chính sách.
Nhà tư vấn này cũng tin tưởng nếu Việt Nam cắt giảm thêm thủ tục hành chính, cấp phép và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng; chia sẻ thông tin nhiều hơn; tăng tính minh bạch cho các cơ quan chính phủ, giữa khu vực công và nhà đầu tư nước ngoài; cải cách đấu thầu mua sắm công; cải thiện hệ thống kê khai thu nhập và tài sản công chức, thì Việt Nam có thể đạt được vị thế hoàn toàn là một thị trường mới nổi. (Hiện tại, theo đánh giá của giới tài chính - đầu tư quốc tế, Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên).
Theo Phương Hiền/Chinhphu