Kinh doanh thua lỗ, Fecon chọn cách huy động vốn qua kênh trái phiếu

Fecon muốn phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 11%/năm được đảm bảo bằng cổ phần công ty con để bổ sung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mới đây, tại CTCP FECON (mã: FCN) công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2022 lần 1.

Cụ thể, Fecon muốn phát hành tối đa 150 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Tổng mệnh giá lên đến 150 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo và không phải nợ thứ cấp. Số trái phiếu được đảm bảo bằng 22,7 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Fecon (FCI) và 15,6 triệu cổ phần CTCP Công trình ngầm Fecon. Đây là 2 công ty con của Fecon.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 150 tỷ đồng tại Fecon.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 150 tỷ đồng tại Fecon.

Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu có thời hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm. Ngày phát hành dự kiến vào 13/06. Đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Dầu khí.

Tổng số tiền là 150 tỷ đồng, được sử dụng để bổ sung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Fecon, bên cạnh đó còn dùng đảm bảo cho nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thu công của những dự án như điện gió Trà Vinh, Hòa Đông, BT1...

Kinh doanh thua lỗ, Fecon chọn cách huy động vốn qua kênh trái phiếu - Ảnh 1

Tính đến cuối năm 2021, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tại Fecon ở mức 5,11% trong khi cuối năm 2020 ở mức 4,5%. Tại thời điểm 31/3/2022, nợ vay tài chính của Fecon ở mức 2.389 tỷ đồng, giảm 3,3% so với số đầu năm trong đó 53,7% là nợ ngắn hạn.

Tại đại hội cổ đông năm nay, Fecon đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021. Cổ tức 2022 không quá 10% bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2022 Fecon chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 502 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, giá vốn giảm chậm hơn doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 16%, còn 88 tỷ đồng.

Bất lợi của Fecon trong quý đầu năm không chỉ đến từ doanh thu mà còn do chi phí lãi vay tăng cao. Trong kỳ, chi phí lãi vay của Fecon tăng vọt 61% lên gần 47 tỷ đồng do phát sinh từ đơn vị thành viên là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án cùng tên này đi vào vận hành tháng 10/2021.

Hơn nữa, các khoản chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn nên đã ngốn hết lợi nhuận tại Fecon. Do đó, trong quý đầu năm 2022, Fecon báo lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 17 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ, Fecon chọn cách huy động vốn qua kênh trái phiếu - Ảnh 2

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm so với cùng kỳ.

Trước đó, trong năm 2021, Fecon không hoàn thành kế hoạch đề ra khi thực hiện lần lượt 89% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10% so với 2020 và lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, giảm 47%.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục