Kinh doanh chứng khoán, đầu tư thua lỗ, loạt ngân hàng vẫn lãi vượt 20.000 tỷ đồng

Theo thống kê, năm 2022, có tới 7 nhà băng ghi nhận lãi trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng, trong đó có nhóm ngân hàng quốc doanh.

Chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ

Theo báo Đầu tư, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 đã lộ diện sau khi các ngân hàng lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 4/2022. Điểm chung của tất cả ngân hàng là mảng đầu tư chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ, sụt giảm. Đây cũng là mảng tối nhất trong báo cáo tài chính quý 4/2022 của các ngân hàng.

Chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ.
Chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ.

Trong số các ngân hàng TMCP quốc doanh, VietinBank lỗ lớn nhất từ mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh, với mức lỗ lên tới 126 tỷ đồng (năm 2021 lãi 720 tỷ đồng). Vietcombank lỗ 83 tỷ đồng từ mảng này, giảm 20% so với năm 2021. Tại BIDV, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư là 227 tỷ đồng, giảm 71% so với năm trước.

Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, năm 2022, hàng loạt ngân hàng cũng lỗ nặng ở mảng đầu tư chứng khoán. ACB ghi nhận 388 tỷ đồng khoản lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh (cùng kỳ lãi 450 tỷ đồng) và chỉ vỏn vẹn 20,6 tỷ đồng lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (giảm 91,5%). VIB cũng ghi nhận lỗ 176 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ lãi 197 tỷ đồng. 

Tương tự, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Techcombank lỗ 241 tỷ đồng, thay vì lãi 152 tỷ đồng như năm trước; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 76,4%, về còn 425 tỷ đồng. Tại SHB, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư là 144 tỷ đồng, giảm 85%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác là 861 tỷ đồng, giảm 19% so với cuối năm 2021…

Ngoài ra, thị trường ngoại hối biến động mạnh năm qua (đặc biệt từ tháng 9/2022) cũng làm nên sự khác biệt trong kết quả kinh doanh các ngân hàng. Lợi thế về nguồn ngoại tệ dồi dào cũng như thị phần giúp các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thắng lợi ở mảng kinh doanh ngoại hối năm qua. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank năm 2022 đạt 5.761 tỷ đồng, tăng mạnh 31,7% so với năm 2021. Tại BIDV, con số này là 3.140 tỷ đồng, tăng gần 66% và tại VietinBank là 3.570 tỷ đồng, tăng 97%.

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng TMCP tư nhân kém vui về mảng kinh doanh này trong  năm 2022. VPBank lỗ tới 618 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, cao gấp 8 lần năm 2021. Techcombank lỗ 275 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, thay vì lãi 231 tỷ đồng năm 2021. VIB cũng lỗ 275 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tăng 217% so với mức lỗ năm 2021. Tại SHB, HDBank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 19% và 25%.

Loạt ngân hàng vẫn lãi vượt 20.000 tỷ đồng

Dân trí đưa tin, Vietcombank tiếp tục là "quán quân" ngành ngân hàng với lãi trước thuế cao nhất lịch sử, đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.000 tỷ đồng.

Ảnh báo Đầu tư.
Ảnh báo Đầu tư.

2 ngân hàng quốc doanh khác là BIDV và VietinBank cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. BIDV đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 23.058 tỷ đồng.

Một cái tên khác trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là Agribank. Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 nhưng theo tiết lộ của Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng, nhà băng này đã cơ bản hoàn thành kế hoạch được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022. Như vậy, ước tính lợi nhuận Agribank cũng vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận của mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 năm 2022 đều tăng trưởng mạnh và xấp xỉ ngưỡng một tỷ USD. Trong "câu lạc bộ" tăng trưởng vượt 20.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến BIDV, với tỷ lệ lên tới 70%.

Còn ở nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dù đứng thứ 2 toàn hệ thống, nhưng so với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm, ngân hàng này mới thực hiện được gần 95%.

Đứng sau Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021.

VPBank là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách lãi trên 20.000 tỷ đồng. Dù lợi nhuận quý 4/2022 giảm 47% so với cùng kỳ, song nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, VPBank vẫn lọt vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất hệ thống với lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.

Ở mức "khiêm tốn" hơn, nếu lấy dấu mốc 10.000 tỷ đồng, có thể kể đến thêm một số cái tên như ACB với 17.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, VIB là 10.581 tỷ đồng, HDBank là 10.268 tỷ đồng hay như SHB cũng tiệm cận mốc này với 9.659 tỷ đồng lợi nhuận.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục