Toàn cảnh phiên chất vấn tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Đặt vấn đề về những diễn biến phức tạp của tình hình mua bán, vận chuyển ma túy và công tác đấu tranh với loại tội phạm này, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu câu hỏi với Tư lệnh ngành công an: Liệu Việt Nam có tiếp tục là địa bàn trung chuyển ma túy và tại sao gần đây công an phát hiện nhiều vụ ma túy lớn; có phải hoạt động ma túy ở Việt Nam dễ hơn nên tội phạm mới chuyển từ các nước khác về Việt Nam?
“Vấn đề ở đây là trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng trên địa bàn như thế nào? Vấn đề con người trong ngành là vấn đề yếu về nghiệp vụ hay đạo đức công vụ?”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chất vấn.
Nêu ra tình trạng các vụ vận chuyển, mua bán ma túy hiện nay “không tính bằng gam, kg mà bằng tấn", đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt vấn đề công tác phòng ngừa tội phạm ma túy còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp so với tính chất phức tạp của tình hình; ma túy đã len lỏi đến tất cả các tỉnh, thành phố, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, thì “trách nhiệm của Bộ ở đâu và có những giải pháp căn cơ gì trong các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Vì sao từ năm 2017 trở lại đây, số lượng ma túy phát hiện đặc biệt lớn, tính bằng tạ, tấn. Nguyên nhân tại sao lại như vậy, nếu không làm rõ nguyên nhân thì giải pháp không chính xác?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mặc dù vừa qua lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ một số vụ án ma túy "lớn chưa từng có", nhưng nguồn cung từ nước ngoài vào vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, nhu cầu ma túy trong nước vẫn lớn, nguy cơ loại tội phạm này phát triển vẫn hiện hữu, đòi hỏi công tác đấu tranh phải mạnh mẽ hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Giải đáp các câu hỏi của đại biểu trước việc đấu tranh, bắt giữ các vụ án ma túy với khối lượng rất lớn thời gian vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp về ma túy và dự báo trước tình hình.
Năm 2018, Bộ Công an đã bắt đầu triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn vào trong nước qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La.
Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam và đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện có sự can thiệp, chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài.
Đề cập đến thách thức, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ trưởng Công an cho biết: Việt Nam đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn do ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng.
Nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao, số người nghiện ma túy cũng tiếp tục gia tăng, nguồn cung rất lớn và nhu cầu cũng ngày một phát triển.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Bên cạnh đó, trong quản lý cửa khẩu, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhập khẩu thuận lợi, thông thoáng, bị tội phạm lợi dụng, Bộ trưởng lý giải.
Theo Bộ trưởng, những khó khăn, vướng mắc về pháp luật cũng đặt ra việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người vào cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng Luật Phòng, chống ma túy, Bộ luật Hình sự.
Điều 199 Bộ luật Hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma túy; quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Bộ Công an đang nghiên cứu để sửa đổi quy định của luật liên quan, đề ra biện pháp hữu hiệu hơn.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Bộ Công an cũng phối hợp với Lào tổ chức cao điểm triệt phá ma túy có hiệu quả tốt.
“Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới” Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định./.
Theo Hạnh Quỳnh/TTXVN/Bnews