Khi những nhà đầu tư không còn kỳ vọng vào DongABank

(Kinhdoanhnet) – Kể từ thời điểm bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, DongABank đã gặp rất nhiều khó khăn. Thậm trí, chính những nhà đầu tư đang sở hữu vốn ngân hàng cũng không còn kỳ vọng vào tương lai của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) được thành lập vào ngày 1/7/1992 với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Trong những năm 2011, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, khiến hàng loạt ngân hàng trong nước lao đao và tụt dốc, DongABank cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng ngân hàng đó khiến kết quả kinh doanh lao dốc chỉ trong một thời gian ngắn, đỉnh điểm đến tháng 8/2015, DongABank đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Trước khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, tình hình hoạt động kinh doanh của DongABank đã luôn trong tình trạng báo động. Từ năm 2011 đến năm 2014, tổng doanh thu của DongABank đã tụt từ 7.845 tỷ đồng năm 2011, xuống 6.378 tỷ đồng năm 2014. Điều tồi tệ hơn xảy ra với thu nhập lãi ròng của ngân hàng khi giảm tới 35 lần chỉ trong vòng 4 năm. Năm 2011, DongABank vẫn lãi ròng 947 tỷ đồng; thì đến năm 2012 khoản này giảm chỉ còn 577 tỷ đồng; con số tiếp tục lao dốc xuống 328 tỷ đồng vào năm 2013; và đến năm 2014, lãi ròng của DongABank chỉ còn lại xấp xỉ 27 tỷ đồng.

Chính những kết quả kinh doanh kém hiệu quả, cùng với việc bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã khiến tương lai DongABank chỉ còn là màu đen xám xịt. Khi mà chính những cổ đông tại DongABank đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại ngân hàng.

Mới đây, trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có ghi nhận khoảng 4.100 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và Sabeco đã phải trích lập dự phòng tới 510 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn khoản trích lập dự phòng này lại là khoản đầu tư tại OCB và DongABank.

Tính tới ngày 30/6, Sabeco có khoản đầu tư tại OCB là 217 tỷ đồng, tương đương 3,1% vốn điều lệ ngân hàng và 136 tỷ đồng tại DongABank tương đương 0,95% vốn điều lệ của Đông Á. Điều đáng nói là 2 khoản đầu tư tại OCB và DongABank này chỉ chiếm gần 9% tổng khoản đầu tư tài chính dài hạn của Sabeco, thế nhưng riêng 2 khoản trích lập dự phòng này đã lên tới 270 tỷ đồng, tương đương 53% tổng khoản trích lập dự phòng của công ty với các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cụ thể, Sabeco phải trích lập 159 tỷ đồng cho khoản đầu tư tại OCB và 111 tỷ đồng tại DongABank.

Có thể thấy với tỷ lệ trích lập dự phòng của Sabeco tại DongABank lên tới gần 82%, Sabeco cũng đã bắt đầu chuẩn bị tâm lý với khoản đầu tư hơn trăm tỷ tại DongABank của mình.

Ngoài Sabeco thì Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đang phải gánh trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng với khoản đầu tư tại DongABank.

Tính đến hết ngày 30/6/2016, PNJ có khoản đầu tư tại DongABank trị giá 395 tỷ đồng, tương đương 7,7% vốn điều lệ ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, PNJ đã nhiều lần trích lập dự phòng với khoản đầu tư này và cho tới hết ngày 30/6 PNJ đã trích lập dự phòng toàn bộ 395 tỷ đồng đầu tư tại DongABank. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của PNJ trong 6 tháng đầu năm, có thể thấy PNJ cũng đã sẵn sàng với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với khoản đầu tư tại DongABank.

Với việc Sabeco trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại DongABank lên tới 82%, cùng với tỷ lệ trích lập dự phòng 100% của PNJ, không quá khi nói những nhà đầu tư tại DongABank đã không còn kỳ vọng vào tương lai của DongABank nữa.

Riêng với DongABank, với việc không công bố báo cáo tài chính từ năm 2015 nên các thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng là khá ít ỏi. Thế nhưng với việc nhìn vào các khoản trích lập dự phòng của các nhà đầu tư tại DongABank, phần nào đó cũng thấy được thực trạng mà DongABank đang gặp phải, khi mà chính những nhà đầu tư của ngân hàng cũng không còn niềm tin với ngân hàng.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục