Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (53)

Hy vọng rằng với sự vào cuộc của Bộ Công an sau kết luận vi phạm ở Khánh Hòa sẽ tiếp tục làm rõ những sai phạm và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật để giữ vững kỉ cương và ổn định tại Khánh Hòa.

Thông cáo báo chí Kỳ họp 39 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cá nhân về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 38 của UBKT Trung ương. Theo đó, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021 và ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Trần Sơn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (53) - Ảnh 1
Bản đồ Quy hoạch Dự án Khu đô thị Hòn Thị đã từng được công bố công khai.


Như vậy, với Kết luận của UBKT Trung ương thì vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã rõ ràng.

Cần làm rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường khi để các sai phạm về đất đai xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa

Ngày 19/03/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND nhằm kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh hòa có nhiệm vụ:

“Thứ nhất là trình UBND tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm; chương trình, đề án, dự án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường và công tác cải cách hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở; Dự thảo văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường; Dự thảo văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Sở; Trưởng, Phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp huyện trong phạm vi Nhà nước được giao.

Thứ hai là trình Chủ tịch UBND tỉnh các dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND tỉnh về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Dự thảo quyết định thành lập, sát nhập, chia tách, giải thể, tổ chức lại các tổ chức, đơn vị của Sở Tài nguyên và Môi trường; Dự thảo các văn bản quy định về quan hệ, phối hợp công tác giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện.

Thứ ba là tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về tài nguyên và môi trường sau khi được phê duyệt; Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường trên địa bàn…”.


Ngoài ra Sở này còn có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật và phân công, ủy quyền của UBND tỉnh.

Như vậy, theo nội dung Quyết định số 657/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa thì nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường UBND tỉnh được liệt kê rất rõ ràng và rành mạch từng chi tiết, hạng mục công việc. Vậy tại sao tại tỉnh Khánh Hòa vẫn tồn tại nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất; vi phạm pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng… gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách Nhà nước như Kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp 38?

Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường làm tốt những nhiệm vụ được giao theo Quyết định nêu trên thì liệu rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa có bị lâm vào tình cảnh tội trạng như ngày hôm nay hay không?

Chỉ đơn cử như vụ việc của Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (gọi tắt là Công ty Hòn Thị), bị quy kết tội, bị buộc dừng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến “chết lâm sàng” như hiện nay là có sự góp mặt của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy không trực tiếp đưa ra bất kỳ quyết định hay chỉ đạo nào dành cho Công ty Hòn Thị, nhưng Sở này đã âm thầm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản không phù hợp chủ trương, quy định của Nhà nước.

Cụ thể là với chức năng và nhiệm vụ là quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường biết rõ xã Phước Đồng không hề nằm trong vùng quy hoạch sử dụng đất để mở rộng thành phố Nha Trang về phía Tây theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy nhưng Sở này vẫn im lặng, làm ngơ, thậm chí còn tát nước theo mưa, không trình bày hay ngăn cản Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc lấy cái cớ này để buộc dừng hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Hòn Thị của Công ty Hòn Thị.

Việc cả Sở Tài nguyên và Môi trường lẫn Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tự vẽ ra quy hoạch để “ép chết” doanh nghiệp vừa là hành động phi nhân tính vừa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư nước ngoài dẫn đến hệ lụy là Chính phủ Việt Nam đang phải chỉ đạo các Bộ ngành tích cực xem xét, kiến nghị giải quyết nhằm hạn chế tối đa những bất lợi trong quan hệ hợp tác giữa các nước có liên quan.

Không chỉ có vậy, trong công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản, Sở này đã lợi dụng quyền hạn của mình để báo cáo thiếu trung thực đến Chủ tịch UBND tỉnh như sau: Đối với trường hợp được phép thi công hạ cốt nền theo Quy hoạch dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Dự án Khu đô thị Hòn Thị. Mặc dù được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn các thủ tục về khai thác tận thu cho hạng mục công việc nêu trên, nhưng Phòng khoáng sản thuộc Sở lại không hề áp dụng các quy định phù hợp theo Luật Khoáng sản cho Công ty Hòn Thị; Kiến nghị thu tiền sử dụng đất của Công ty này và khi tiền thuê đất được nộp đầy đủ vào ngân sách thì Sở này lại viện cớ để không ký hợp đồng cho thuê đất gây khó khăn cho Công ty trong quá trình thực hiện dự án.

Sự chuyên quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa còn được thể hiện thông qua sự việc lãnh đạo của Công ty Hòn Thị bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố hình sự về với tội danh vi phạm về lĩnh vực khai thác tài nguyên khi không đủ căn cứ.

Bởi lẽ trong suốt quãng thời gian hơn 20 năm thực hiện dự án từ Dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến Dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị Hòn Thị, Công ty này đã trải qua hàng chục lần thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có cả Sở Tài nguyên và Môi trường. Các lần kiểm tra đều không phát hiện ra vi phạm, sai phạm.

Vậy mà trong báo cáo số 1383/STNMT-KS ngày 10/04/2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Khánh Hòa để báo cáo kết quả xử lý các tồn tại trong hoạt động thu hồi, vận chuyển đất đá làm VLXD trên địa bàn thành phố Nha Trang. Sở này đã vô cớ đưa Công ty Hòn Thị vào danh sách chuyển “Công an tỉnh xử lý”. Để rồi mới đây, Công an tỉnh Khánh Hòa phải bẽ bàng ban hành một Quyết định tạm đình chỉ điều tra hình sự đối với vụ án nêu trên sau khi kết thúc thời hạn điều tra và nhiều lần gia hạn điều tra nhưng không tìm được chứng cứ chứng minh sai phạm.

Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (53) - Ảnh 2
Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (53) - Ảnh 3
Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP Nha Trang (53) - Ảnh 4
Báo cáo số 1383/STNMT-KS ngày 10/04/2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Khánh Hòa có nội dung đề xuất, kiến nghị Công an tỉnh khẩn trương xác minh xử lý vi phạm.

 

Vậy những biểu hiện được cho là lợi dụng chức vụ và quyền hạn của những lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đối với Công ty Hòn Thị có đáng lên án? Câu trả lời chúng tôi xin nhường lại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cấp có thẩm quyền.

Dư luận tại Khánh Hòa đã từng đặt ra giải thiết: “Liệu rằng có cá nhân, tổ chức nào đó vì mưu cầu lợi ích riêng cho mình mà đã móc nối với những người thiết kế chính sách, thậm chí cả với những người ở cương vị quyết định, để mượn cớ đưa ra những “chính sách” có lợi cho họ, bất chấp hệ lụy và lợi ích chung?”. Chứ nếu không can cớ gì mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa lại gián tiếp đẩy lãnh đạo Công ty Hòn Thị vướng vòng lao lý trong khi Công ty này luôn được biểu dương vì đã góp phần xây dựng ngân sách tỉnh thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước?

 

 

Hiền Anh- Nhóm PVĐT/KD&PL

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục