Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP. Nha Trang (30)

Nếu so sánh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của TP Nha Trang với thực trạng thành phố hiện nay sẽ thấy nhiều chỗ không đồng nhất bởi các Quyết định sau đó của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt ở Nha Trang, Khánh Hòa đang bị phá vỡ? Doanh nghiệp “kẻ khóc, người cười”

Ngày 25/09/2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1396/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Theo đó, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Nha Trang được duyệt có quy mô đất xây dựng đô thị và định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất và các khu chức năng đến năm 2025 rất rõ ràng.

Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP. Nha Trang (30) - Ảnh 1
Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP. Nha Trang (30) - Ảnh 2
Khánh Hòa: Về dự án của Công ty Hòn Thị ở TP. Nha Trang (30) - Ảnh 3
Bản xác nhận khu vục, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản đất san lấp trong Khu kinh tế trang trại Đất Lành mở rộng.

Theo Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang đến năm 2020 do ông Lê Đức Vinh (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) phê duyệt thì tại xã Phước Đồng bao gồm các Khu dân cư Phước Đồng, Khu dân cư Trảng É, Khu dân cư Khatoco, Khu dân cư Hòn Rớ II và Khu tái định cư Sông Lô; còn tại xã Vĩnh Thái có Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh, Khu đô thị Vĩnh Thái. Trên bản đồ này còn xuất hiện thêm Khu biệt thự Giáng Hương, Khu kinh tế trang trại tại xã Vĩnh Thái không theo Đồ án quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt. Các dự án này được xây dựng xâm lấn lên phần diện tích núi, rừng thông qua sự phê duyệt của Lãnh đạo UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gì khi quy hoạch chung của thành phố bị phá vỡ?

Trong khi các Sở ngành khác như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng luôn hỗ trợ cung cấp thông tin cho phóng viên một cách tích cực nhất thì Sở Tài nguyên và Môi trường luôn có những cách trao đổi thông tin trái ngược gây khó khăn, bất lợi cho quá trình tác nghiệp của phóng viên.

Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở mặc dù luôn khẳng khái cho rằng, ông luôn công tâm, minh bạch trong việc làm rõ trách nhiệm và xử lý những sai phạm của cán bộ, nhân viên thuộc Sở nếu có. Vậy nhưng trong suốt một quá trình dài tiếp xúc với ông Thái thì thấy rõ ông Giám đốc này luôn bất lực trước sự quanh co với phóng viên của những cán bộ cấp dưới mình.

Còn ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở thì khôn khéo bọc lót cho “con gà đẻ trứng vàng” (tức Trưởng phòng Khoáng sản Nguyễn Thanh Minh - PV) để né tránh đề nghị tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc sử dụng đất và khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Và một đều đáng nói nữa là sự “ngoảnh mặt làm ngơ” của UBND tỉnh Khánh Hòa trước thực trạng báo chí đã nêu này khiến cho những cán bộ có dấu hiệu “tham nhũng chính sách” vẫn bất chấp sự phản ánh của báo chí, bức xúc của dư luận mà “kê cao gối ngủ”. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có hình thành đường dây tham nhũng chính sách có tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa hay không? Có phải UBND tỉnh Khánh Hòa không biết hay đang cố tình phớt lờ dư luận?

Theo báo cáo số 3050/STNMT-KS ngày 16/07/2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa báo cáo Thường trực UBND tỉnh về nội dung trả lời chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực khoáng sản. Sở này có đưa ra 2 bản Phụ lục đính kèm (tính đến thời điểm ngày 16/07/2018) bao gồm: Phụ lục 1 – Bảng tổng hợp về khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác (bao gồm 32 Giấy phép), trong đó có 09 Giấy phép khai thác được cấp cho loại khoáng sản đất san lấp; Phụ lục 2 là Bảng tổng hợp khu vực cát, sỏi làm vật liệu xây dựng được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản nạo vét đang còn hiệu lực trên địa bản tỉnh (gồm hơn 30 doanh nghiệp được cấp phép).

Tuy nhiên đây mới chỉ là con số để báo cáo, còn thực tế thì có rất nhiều doanh nghiệp đang núp bóng dự án để khai thác tận thu khoáng sản trước sự làm ngơ mà dư luận đang cho rằng họ được “bật đèn xanh” để lộng hành.

Có thể nói rằng, dấu hiệu của một số cán bộ sở chuyên môn thuộc tỉnh Khánh Hòa đã khiến những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nghiêm túc bị đưa vào thế kẹt và rồi dần bị "khai tử", nhường chỗ cho những doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp sân sau làm ăn phi pháp, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đơn cử như tại dãy núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tuy không được quy hoạch làm dự án Khu dân cư hay Du lịch nhưng vẫn được các Sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép ồ ạt, làm ngơ cho doanh nghiệp xẻ núi, phá rừng, khai thác tận thu khoáng sản đất, đá.

Theo ông Bùi Cao Phát – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng: “Dãy núi Chín Khúc thuộc quyền quản lý của 3 xã bao gồm: Phước Đồng, Vĩnh Thái và Vĩnh Trung”. Nói về các dự án đang tồn tại trên dãy Chín Khúc, ông Phát cho biết: “Có một dự án xây Khu đô thị và trang trại ở đó. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt rồi và hiện nay doanh nghiệp đang triển khai thực hiện”.

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi: “Dự án đang được triển khai thực hiện thì với phần diện tích thuộc quản lý của xã Phước Đồng, UBND xã đã thực hiện bàn giao đất ngoài thực địa cho doanh nghiệp chưa?” thì ông Phát trả lời: “Chưa bàn giao đất ngoài thực địa nhưng doanh nghiệp được cấp phép rồi thì cứ làm thôi”. Phóng viên tiếp tục đặt ra câu hỏi: "Vậy làm sao UBND xã có thể quản lý được đất đai trên địa bàn và đảm bảo doanh nghiệp không hoạt động vượt quá giới hạn cho phép?" thì ông Phát không trả lời được.

Theo điều tra của phóng viên, tại dãy núi Chín Khúc hiện nay có ít nhất 07 dự án đang tồn tại. Đó là các dự án:  Khu đô thị Đất Lành, Dự án Cửu Long Sơn Tự và Khu dịch vụ cáp treo, bãi đậu xe, Khu kinh tế trang trại Vĩnh Trung, Khu biệt thự và sinh thái Đất Lành, Khu tái định cư Đất Lành và Khu dân cư phía Tây Khu tái định cư Đất Lành. Và điều đáng lưu tâm là phần lớn các dự án ở đây đều được giao cho Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất được phép khai thác khoáng sản tại xã Phước Đồng sau khi UBND tỉnh “truất quyền” khai thác khoáng sản hợp pháp trước thời hạn của Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị tại mỏ đá Hòn Thị(?).

Như vậy liệu việc đẩy Công ty Hòn Thị đến chỗ gần như phải “khai tử” thông qua hình thức được cho là “hình sự hóa” vụ việc khai thác khoáng sản trái phép có đang làm lợi cho Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa hay không? Chỉ biết rằng hiện nay khi UBND xã Phước Đồng khẳng định không còn doanh nghiệp nào được phép khai thác khoáng sản trên địa bàn xã nữa, và chuyên viên Dũng - phòng Khoáng sản cho biết: “xã Phước Đồng không còn quy hoạch vùng khoáng sản được khai thác nữa” thì UBND tỉnh vẫn ban hành Bản Xác nhận để xác nhận khu vực đăng ký khai thác khoáng sản san lấp trong Khu kinh tế Trang trại Đất Lành mở rộng tại xã Vĩnh Thái và xã Phước Đồng cho Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa, thời hạn khai thác 24 tháng (tính từ 01/09/2017) (?).

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên có đề nghị Chi cục Quản lý đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho tiếp xúc hồ sơ về đất đối với dự án nêu trên của Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa. Tuy nhiên cán bộ ở đây cho biết: “Đã rà soát nhưng không tìm thấy hồ sơ về đất của dự án này”.

Còn Phòng Khoáng sản của Sở này đã cố tình chống đối chỉ đạo của Giám đốc Sở (Tại văn bản 1910/STNMT-VP về việc làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí. Giám đốc Sở chỉ đạo Lãnh đạo phòng Khoáng sản có trách nhiệm làm việc trực tiếp với phóng viên để giải đáp về chuyên môn) và né tránh tiếp xúc phóng viên.

Cho đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã thực hiện xẻ núi, phá rừng, vận chuyển khối lượng đất đá làm vật liệu xây dựng lớn trong tình trạng chưa có biên bản bàn giao mặt bằng dự án (tại xã Phước Đồng - theo Phó Chủ tịch UBND xã), hồ sơ về đất thì nơi quản lý hành chính còn chưa tìm thấy, hồ sơ về khoáng sản thì còn đang được bưng bít bởi Lãnh đạo Phòng.

Vậy sao không thấy một lực lượng chức năng nào như Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét đến? Nếu được nhiều Sở ngành và chính quyền tỉnh ưu ái đến vậy, chắc Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa là một ẩn số cần được làm rõ nhằm đảm bảo công bằng xã hội và sự canh tranh lành mạnh trong môi trường đầu tư nói chung.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Hiền Anh và nhóm PVĐT/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục