“Khám" sức khỏe của loạt doanh nghiệp ngành gỗ

Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nửa đầu năm 2023 đã phản ánh đúng khó khăn của toàn ngành với sự sụt giảm mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận.

“Khám" sức khỏe của loạt doanh nghiệp ngành gỗ - Ảnh 1

Tại Hội chợ BIFA WOOD 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị đã nhận định những khó khăn của ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm.

“Sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột diễn biến phức tạp, kéo dài, lạm phát toàn thế giới tăng cao dẫn đến các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam đều giảm. Cụ thể, Hoa Kỳ, EU tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có gỗ và lâm sản giả bán một số mặt hàng lâm sản chủ yếu như dăm gỗ, viên nén gỗ đã giảm từ 30- 35% so với năm 2022”, Thứ trưởng cho biết. 

Điều này dẫn đến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 7 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Những khó khăn chung của toàn ngành đã thể hiện rõ trong bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nửa đầu năm với sự sụt giảm mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý II/2023 cũng là gánh nặng đè nén lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chiều giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận

Trong quý II/2023, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) ghi nhận doanh thu thuần 968 tỷ đồng giảm 9% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Gỗ An Cường đều đến từ thị trường nội địa, chiếm 85%.

Trong quý, chi phí tài chính là gánh nặng kéo lùi lợi nhuận của Gỗ An Cường. Cụ thể, Chi phí lãi vay đạt 13 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng đạt 128 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 47 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, sau khi trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi sụt giảm 32%, xuống còn 108 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận, An Cường cho biết lợi nhuận giảm mạnh do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần 1.648 tỷ đồng và lãi ròng 145 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 48% so với cùng kỳ.

“Khám" sức khỏe của loạt doanh nghiệp ngành gỗ - Ảnh 2

Cũng ghi nhận chiều giảm trong tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) giảm 31% xuống còn 89 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, trong khi chi phí tài chính phát sinh mạnh hơn 93%, lên 3,4 tỷ đồng thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được Gỗ Đức Thành tiết giảm hơn so với quý II/2022. 

Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 7,9 tỷ đồng, giảm 67% so với mức lợi nhuận 24 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lý giải về kết quả lợi nhuận giảm mạnh, Gỗ Đức Thành cho biết, doanh thu giảm mạnh do kinh tế thế giới khó khăn và sức mua giảm mạnh. Đơn hàng xuất khẩu ít, nhưng chi phí quản lý cố định không giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ Đức Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm lần lượt 36% và 65% so với cùng kỳ. 

Năm 2023, Gỗ Đức Thành lên kế hoạch doanh thu đạt 520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, công ty đã thực hiện hơn 29% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận năm.

“Khám" sức khỏe của loạt doanh nghiệp ngành gỗ - Ảnh 3

Trong quý II/2023, Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu đạt 388 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ; sau thuế, doanh nghiệp bão lỗ 27 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 719 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Sau khi cấn trừ các chi phí, công ty lỗ 25 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 10 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, công ty đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và cách rất xa kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Còn tại Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB), doanh thu của công ty là 1.478 tỷ đồng, lãi trước thuế 124 tỷ, tương ứng giảm 22% và giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Phú Tài đạt 2.898 tỷ, lãi trước thuế đạt 201 tỷ đồng, lượt giảm 20% và giảm 46%. Kết quả trên đã giúp Phú Tài hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. 

Trong cơ cấu doanh thu của Phú Tài, xuất khẩu gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là đá và phân phối ô tô, ngoài ra còn có mảng bất động sản.

“Khám" sức khỏe của loạt doanh nghiệp ngành gỗ - Ảnh 4

Kỳ vọng lực đẩy phục hồi tích cực

Vndirect vừa có báo cáo phân tích triển vọng về Ngành gỗ và sản phẩm gỗ với dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỉ trọng xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2023. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.

Vndirect cho rằng, biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 trước khi cải thiện vào năm 2024.

Còn báo cáo cập nhật của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu trong nửa đầu năm 2023 vẫn đang sụt giảm.

Tuy nhiên, giá hợp đồng tương lai gỗ xẻ trong tháng 5 đã tăng trên 550 USD/1000 feet, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 chủ yếu do nhu cầu hồi phục khi kỳ xây dựng vào mùa hè đến gần trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế.

Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi trong thị trường nhà ở cũng như là chỉ báo tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nguyên liệu, gạch ốp lát và đồ nội thất. Do đó, VCBS kỳ vọng sản lượng xuất khẩu và giá bán của doanh nghiệp sẽ hồi phục tích cực trong thời gian tới.

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục