Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

(Kinhdoanhnet) - Sáng nay ngày 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.

Đúng 9 giờ sáng 20/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.

Trước giờ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh..

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên khai mạc

Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2. 

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. 

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV - Ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ hai diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống. 

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm, Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết. Một điểm mới đáng lưu ý, hoạt động lập pháp của Quốc hội sẽ bám sát và tuân thủ các quy trình trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. 

Bên cạnh công tác lập pháp, kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; tình hình khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường…

Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017. 

Mặc dù Chính phủ kỳ vọng GDP đạt 6,3-6,5% năm 2016 (thấp hơn kế hoạch Quốc hội đề ra là 6,7%), nhưng báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận “do tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch, chỉ số giá tiêu dùng thấp nên tỉ lệ bội chi và tỉ lệ nợ công so với GDP có thể vượt ngưỡng Quốc hội cho phép”.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội dự báo kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn 2016-2020 còn nhiều khó khăn, việc Chính phủ xác định mức tăng trưởng kinh tế 6,7-6,75%/năm là tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu tính toán trên GDP.

Về nợ công, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị thực hiện nghiêm quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015; duy trì mức trần nợ công không quá 65% GDP (sau năm 2020 không quá 60% GDP), nợ Chính phủ không quá 53% GDP (sau năm 2020 không quá 50% GDP), nợ nước ngoài không quá 50% GDP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. 

Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể của năm 2017 gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55-57%, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%. Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%... 

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục