Ngày 4/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 chup ảnh lưu niệm. (Ảnh: Reuters)
Hội nghị thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, thương mại và đầu tư. Vì thế, ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tránh chỉ “nói suông” khi bàn về cách thức vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Ông Tập Cận Bình phát biểu: “Chống lại rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, cộng đồng quốc tế kỳ vọng rất nhiều vào Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này”.
4 vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận ở Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.
Với chủ đề "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể", Trung Quốc - nước Chủ tịch G20 năm nay hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.
Hội nghị thượng đỉnh G20 là diễn đàn hàng đầu để thảo luận các vấn đề về hợp tác kinh tế và tài chính toàn cầu. G20 tập hợp các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn trên thế giới, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu.
Phương Anh