Khai mạc G7, hàng loạt vấn đề nóng được “mổ xẻ”

(Kinhdoanhnet) - Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) đã bắt đầu từ ngày 7/6 tại thành phố Garmisch-Partenkirchen, cực Nam của nước Đức.

Theo Sputnick, nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, dự hội nghị có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Stephen Harper, và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Khai mạc G7, hàng loạt vấn đề nóng được “mổ xẻ” - Ảnh 1
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Đại diện cho EU sẽ là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu  Âu Donald Tusk.

Khách mời tới lâu đài Ellmau có các vị đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. Cùng với lãnh đạo các nước tham gia G7, đại diện của Ethiopia, Liberia, Nigeria, Senegal, Tunisia, Nam Phi, Iraq.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Hy Lạp và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đều là những chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao lần này, dù một số hồ sơ được dự báo là sẽ không đạt bước đột phá nào.

Diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6, Hội nghị cấp cao nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới đề cập các hồ sơ quốc tế lớn hiện nay. Tuy nhiên, điều hiếm hoi từ nhiều năm nay là không phải các vấn đề kinh tế hay trốn thuế, mà cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo mới là những nội dung chiếm phần lớn thời gian các cuộc tranh luận. Ngoài ra là các vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hồ sơ Hy Lạp.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất những ngày qua là: Bước tiến nào sẽ đạt được trong vấn đề Ukraine khi thiếu bóng Nga? Tình trạng xung đột leo thang dữ dội trở lại những ngày qua tại Donetsk đã nhắc người ta nhớ lại rằng, Ukraine vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và tới nay vẫn không có một lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng. Một lộ trình hòa bình đã được thông qua hồi tháng 2, song thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2 này chỉ được các bên liên quan thực thi một cách có giới hạn.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, theo các nguồn tin từ Chính phủ Đức, Berlin vẫn kiên định lập trường phản đối việc cung cấp vũ khí cho nước này.

Phát biểu tại Hội nghị G-7, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Junker đã cáo buộc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras không tôn trọng "những quy tắc tối thiểu" trong các cuộc đàm phán về gánh nặng nợ công của nước này, cho rằng ông Tsipras đã xuyên tạc những đề xuất cải tổ do Brussels đưa ra mà phía Athens cho là "lố bịch."

Tại ngày họp thứ 2, hội nghị sẽ chứng kiến sự tham dự của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và 5 nhà lãnh đạo châu Phi. Đây sẽ là dịp để xem xét những hỗ trợ mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu có thể dành cho những nước này không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn trong phát triển.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục