Khách hàng không rút được tiền gửi: Xuất hiện những tình tiết “đáng ngờ”

(Kinhdoanhnet) – Trong vụ việc ông Dương Thanh Nghị - việt kiều Pháp không rút được số tiền tiết kiệm 400.000 euro tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi vẫn còn khá nhiều tình tiết đáng ngờ.

Trong những ngày qua vụ việc một khách hàng của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã “tố” không rút được 400.000 EUR tiền tiết kiệm tại ngân hàng này đang gây xôn xao dư luận.

Cụ thể khách hàng là ông Dương Thanh Nghị, 42 tuổi, quê ở Vũng Tàu, đang sống và làm việc tại Pháp, đã gửi số tiền tiết kiệm 400.000 euro tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (quận 1, TP HCM). Số tiền này được ông tích cóp qua thời gian và gửi dần từ nước ngoài về.

Theo đó vào ngày 02/02/2015, ông Nghị đã đến Agribank để rút tiền nhưng ông đã nhận được tin quá “sốc”, nhân viên ngân hàng này cho biết có hai sổ tiết kiệm cùng đứng tên ông Nghị, có cùng ngày gửi cùng số tiền nhưng khác số seri.

Một trong hai cuốn sổ đứng tên ông Nghị đã được cầm cố để thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, để vay số tiền 10,4 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Nghị lại cho biết ông chưa hề thế chấp cuốn sổ tiết kiệm của mình để vay khoản tiền nào.

Hiện ông Nghị vẫn đang nắm giữ cuốn sổ tiết kiệm của mình và ông Nghị  cũng cho biết phía ngân hàng cũng đã lên tiếng xác nhận trong hệ thống của họ có số tiền của ông.

Theo thông tin từ phía Agribank, cuốn sổ tiết kiệm ông Nghị đang giữ có seri không khớp với số seri trên hồ sơ và phần mềm quản lý dữ liệu của Agribank. Cuốn sổ mà ông Nghị mang đến ngân hàng không có tiền trong ngân hàng. Hiện số tiền này đang được Agribank phong tỏa để đảm bảo việc trả nợ khoản vay đã thế chấp.

Trong vụ việc này khó hiểu nhất là việc mặc dù từ tháng 09/2014 ông Nghị đã rất nhiều lần giao dịch gửi tiền tại phòng giao dịch Hòa Hưng nhưng tất cả các giao dịch của ông Dương Thanh Nghị lại thực hiện trực tiếp với Nguyễn Lê Kiều Quang - Nguyên giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng tại phòng làm việc riêng mà không thông qua giao dịch viên. Việc giao dịch này đã không chấp hành theo đúng quy định của ngân hàng.

Một điều khá vô lý đó là việc ông Nghị cho biết ông Quang và nhân viên đã nhiều lần đưa cho ông ký rất nhiều giấy tờ trắng mà theo như lời ông Quang những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền đỡ mất thời gian.

Chính vì vậy nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ mờ ám giữa cá nhân giữa ông Dương Thanh Nghị và ông Nguyễn Lê Kiều Quang.

Vụ việc này đã nêu lên một bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực giao dịch dân sự (nhà đất, ngân hàng,…). Trong giao dịch dân sự liên quan đến những tài sản lớn, người dân tuyệt đối không được ký khống, ký trên giấy trắng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cảnh báo người dân: “Trong giao dịch dân sự ai cũng muốn được nhanh chóng tuy nhiên việc ký khống các giấy tờ sẽ rất dễ xảy ra lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật cũng bắt đầu từ đây. Mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình.”

Ngọc Anh (TH theo Báo Dautu; Tuoitre; Thoibaokinhtesaigon)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục