Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, bất động sản là một lĩnh vực lớn của kinh tế Trung Quốc và nếu Evergrande sụp đổ, hoạt động kinh tế cũng như sự ổn định tài chính của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi đang theo sát những diễn biến ở Trung Quốc. Chúng tôi vẫn tin Trung Quốc có công cụ và không gian chính sách để ngăn khủng hoảng Evergrande trở thành khủng hoảng hệ thống", bà Gopinath nói với Reuters.
Là tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande là một phần quan trọng trong cỗ máy kinh tế của nước này. Với việc Evergrande có hơn 120.000 nhân viên chính thức và vô số đối tác cung cấp, theo chuyên gia kinh tế Brian Levitt của Công ty Invesco (Mỹ), rủi ro là quá lớn nếu giới chức Trung Quốc để tập đoàn này sụp đổ.
Ông Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande vào năm 1996. Evergrande thực hiện một loạt các khoản đầu tư bất động sản, qua đó đưa doanh nghiệp này đạt giá trị 722 triệu USD sau lần phát hành lần đầu tiên ra công chúng vào năm 2009. Năm 2017, tỷ phú Hứa Gia Ấn sở hữu 71% tập đoàn Evergrande, đưa khối tài sản ròng tăng vọt lên mức 45 tỷ USD.
Đến năm 2018, báo cáo của Brand Finance đã xếp hạng tập đoàn Evergrande là công ty bất động sản có giá trị nhất thế giới. Theo ước tính của Forbes, thời điểm đó tỷ phú Hứa Gia Ấn sở hữu 70% cổ phần của công ty, đưa ông trở thành người giàu thứ 53 trên thế giới và người giàu thứ 10 ở Trung Quốc.
Khi khối tài sản ngày càng lớn, tỷ phú Hứa Gia Ấn bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực ngoài bất động sản. Ông đầu tư vào một hãng sản xuất ô tô điện và mua Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu, một trong những đội bóng thành công và có giá trị nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng xe điện mà tỷ phú này đầu tư vẫn chưa cho ra đời chiếc xe nào.
Tính đến ngày 22/9/2021 (theo cập nhật của Forbes), tỷ phú Hứa Gia Ấn sở hữu khối tài sản tương đương 10,7 tỷ USD.
Tuy nhiên Evergrande hiện nợ hơn 300 tỷ USD. Tất cả đối tác từng làm ăn với công ty, bao gồm các nhà máy thép, công ty nội thất, ngân hàng, khách hàng và trái chủ, đều rơi vào tình thế khó khăn.
Việc Evergrande không thanh toán sẽ dẫn đến hàng loạt phản ứng dây chuyền nguy hiểm. Các nhà cung cấp phá sản, giá hàng hóa và nhà ở sụp đổ, ngân hàng thu hồi nợ, những nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng chao đảo.
Định giá startup xe điện của tập đoàn lao dốc 90% từ mức 87 tỷ USD hồi tháng 4.
Theo CNBC, hố nợ 300 tỷ USD của Evergrande cũng làm rung chuyển thị trường toàn cầu.