Số cổ phần trên tương đương 6,43% lượng đang lưu hành và sẽ được bán cho không quá 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Về tiêu chí chọn nhà đầu tư, VJC sẽ ưu tiên lựa chọn các tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước, hoặc các tổ chức có hoạt động kinh doanh về công nghệ, logistics, dịch vụ, hàng không, công nghệ tài chính và/hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho Vietjet.
Vietjet dự kiến chào bán với giá 135.000 đồng mỗi cổ phiếu. Con số này cao hơn gần 15% so với giá chốt phiên của cổ phiếu VJC ngày 13/9/2022. Nếu hoàn tất thương vụ này vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng từ 5.416 tỷ đồng lên 5.764 tỷ đồng.
Tổng số tiền VJC dự kiến thu về gần 4.700 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư thuê, mua máy bay và trang thiết bị, sửa chữa tàu bay đồng thời bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Vietjet.
Cổ phiếu được chào bán thành công trong đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022 và 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tìm hiểu thêm về hãng bay này được biết, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, trong quý gần nhất, doanh thu của Vietjet vượt 11.500 tỷ đồng, cao hơn 3 lần quý II/2021 và cũng gần bằng mức trước dịch.
Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt gần 14.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,3 tỷ, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021. Hãng thực hiện gần 33.000 chuyến bay, vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng 135% và 200% so với nửa đầu năm ngoái.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết