Hôm nay 7/11, Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ tư của kỳ họp với nội dung thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý ngoại thương và dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cuối phiên làm việc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Quốc hội biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017
Từ ngày 7 - 11/11, Quốc hội sẽ biểu quyết một loạt nghị quyết quan trọng, trong đó có kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm (bao gồm nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Ngày 9/11, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Dự luật này trên thực tế từng là một phần của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 12 đạo luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, khi Chính phủ trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/10, dự án Luật này được rút gọn lại còn sửa 3 Luật là Đầu tư, Doanh nghiệp và Xây dựng. Sau phiên họp thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội ngày 29/10, dự luật trên được đổi tên thành Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Theo bản dự thảo trình tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế ngày 29/10, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề; bổ sung 15 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nếu phương án này được thông qua, tổng số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 12 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm giải quyết nhanh chóng những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những nỗ lực thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, do dự án luật này có quy mô và phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và lại được thực hiện trong thời gian rất gấp nên Chính phủ cần có thêm thời gian để tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể hơn tác động của luật đối với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như cơ chế quản lý nhà nước; đồng thời cần trao đổi thêm để tạo sự đồng thuận, thống nhất với cộng đồng doanh nghiệp".
Các nghị quyết khác dự kiến cũng được lấy biểu quyết là về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cũng trong tuần này, Quốc hội nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội, thảo luận về các dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); luật Du lịch (sửa đổi); luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; luật Quy hoạch; luật Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN.
Thu Trang (Tổng hợp)