Hội Xuất bản Việt Nam: Cần chăm lo quyền lợi cho hội viên, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm

(Kinhdoanhnet) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017-2022) vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Hội đóng góp vai trò quan trọng tạo ra xuất bản phẩm lành mạnh

Những năm gần đây, hoạt động xuất bản đã có sự phát triển ổn định, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc. Toàn ngành xuất bản đã có những thay đổi đáng kể về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn nhân lực và cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển. Trung bình mỗi năm, toàn ngành xuất bản được khoảng 30.000 cuốn với gần 400 triệu bản; mức độ hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4 bản sách/người/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 15-20% về số bản sách, 8-10% về số đầu sách. Chất lượng sách đã được cải tiến so với các năm trước đây, thể hiện qua việc các nhà xuất bản đã có định hướng rõ rệt trong việc lựa chọn đề tài cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn về nội dung nên đã hạn chế được các loại sách kém chất lượng, xuất bản được nhiều cuốn sách có nội dung tốt, hình thức đẹp, được dư luận đánh giá cao. Ngành Xuất bản Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong khu vực Châu Á, hiện là thành viên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN, Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương và Tổ chức ISBN quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động thông tin đối ngoại, đưa xuất bản phẩm Việt Nam đến với thế giới.

Hội Xuất bản Việt Nam: Cần chăm lo quyền lợi cho hội viên, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm - Ảnh 1

Các đại biểu tham dự Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017-2022).


Bên cạnh việc là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của hội viên thì Hội Xuất bản Việt Nam còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao vị thế của ngành, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một thị trường xuất bản phẩm lành mạnh, một nền “văn hóa đọc” phong phú, đa dạng. Quyết định số 283-QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện việc chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, như: phối hợp trong việc tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về hoạt động xuất bản; trong việc tham mưu xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản; trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản;...

Đồng thời, Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT tổ chức các Hội nghị sơ kết và giao ban công tác sáu tháng đầu năm, tổng kết công tác xuất bản, phát hành toàn quốc hằng năm; Phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Xuất bản 2012 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013; bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho hội viên; Đề nghị Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan có biện pháp hữu hiệu nhằm giúp các NXB tháo gỡ khó khăn, đồng thời có giải pháp lâu dài phát triển ngành Xuất bản. Ngoài ra, Hội còn tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Hội đã soạn thảo và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản Việt Nam. Đây là bộ quy tắc có ý nghĩa thiết thực đối với vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác xuất bản trước nghề nghiệp và xã hội, nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, nâng cao giá trị của văn hóa đọc.

Sau khi Quốc hội Khóa 13 quyết định dừng việc thi hành Bộ Luật Hình sự 2015 để tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa hoàn thiện, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề nghị các chi hội, hội viên trong cả nước khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những quy định trong Bộ Luật này đối với hoạt động xuất bản. Hội cũng đã tổ chức các cuộc tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các chi hội là các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, công ty kinh doanh sách về Bộ Luật Hình sự 2015 và đã có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ kiến nghị sửa đổi cơ bản Điều 225 và Điều 344 trong Bộ Luật này.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, trước những chủ trương lớn của Chính phủ như thực hiện Ngày Sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam là một trong những đơn vị tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tôn vinh Ngày Sách Việt Nam và Ngày Sách và Bản quyền thế giới hằng năm. Hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức đường sách, phố sách, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tạo không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích cho cộng đồng; Tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những cuốn sách hay, sách có giá trị và những người làm công tác xuất bản.

Hội cần chăm lo quyền lợi cho hội viên

Trong nhiệm kỳ qua, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Xuất bản đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, qua đó đã tổng hợp nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực kiến nghị với Đảng và Nhà nước về cơ chế chính sách và định hướng phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ mới.

Hội Xuất bản Việt Nam: Cần chăm lo quyền lợi cho hội viên, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Đại hội.

Bên cạnh đó, Hội đã tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sách như: Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ V năm 2015 tại Hà Nội và Hội đã mời Hiệp hội Xuất bản ASEAN đưa sách sang trưng bày. Hội Sách ở TP.Hồ Chí Minh; Ngày hội Sách và văn hóa đọc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội; Triển lãm và tọa đàm về Sách tại Thư viện Quốc gia, Triển lãm Sách tại thành phố Điện Biên Phủ (tháng 4/2014); Tổ chức gian trưng bày Sách Hay Sách Đẹp được giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam tại Hội chợ Sách ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô; Đề xuất với UBND và Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh xây dựng Đường Sách tại đường Nguyễn Văn Bình và được UBND thành phố chấp thuận đi vào hoạt động từ tháng 10/2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ XII… Từ thành công của Đường sách TP. Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản đã đề xuất 5 tỉnh, thành phố lớn đề nghị tạo điều kiện để nhân rộng mô hình đường sách, phố sách. Đến nay, Thủ đô Hà Nội là địa phương thứ hai khai trương và đưa Phố sách vào hoạt động…

Đặc biệt, hàng năm, Hội tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam theo quyết định của Chính phủ. Nhìn chung, Giải thưởng Sách Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc trong nhiệm kỳ III và có hiệu ứng xã hội tốt. Đến nay, chưa phát hiện sai sót trong quá trình chấm giải. Trong 5 năm qua, tổng số tên sách dự thi là 1893 cuốn, trong đó có 2 Giải Đặc biệt, 41 Giải Vàng, 112 Giải Bạc, 134 Giải Đồng và 124 Giải Khuyến khích. Qua 12 năm trao thưởng, Giải thưởng Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động được trông đợi của những người làm xuất bản và các tác giả.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc giúp ngành Xuất bản Việt Nam dần khẳng định vị thế của mình trong khu vực châu Á, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một thị trường xuất bản phẩm lành mạnh, một nền “văn hóa đọc” phong phú, đa dạng.

Theo Bộ trưởng, những năm gần đây, hoạt động xuất bản đã có sự phát triển ổn định, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc. Toàn ngành đã có những thay đổi đáng kể về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cũng như nguồn nhân lực và cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển.

Để có được những thành tựu đó có sự đóng góp của nhiều đơn vị hoạt động trong ngành Xuất bản, trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng đã nêu rõ một số đề nghị đối với Hội Xuất bản Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam, đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển sự nghiệp xuất bản Việt Nam trong thời kỳ mới. Cụ thể: Đề ra những nhiệm vụ và nội dung hoạt động đúng chức năng và sát với đời sống của ngành Xuất bản, làm cơ sở định hướng cho toàn bộ hoạt động của Hội; Phối hợp với Bộ TT&TT đề xuất với Chính phủ có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động xuất bản nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển; Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai và hướng dẫn các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25/4/2004 và Thông báo kết luận số 19/TB-KL ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư, Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, kế tiếp Giải thưởng Sách Việt Nam; Chăm lo quyền lợi, bảo vệ và phát triển hội viên, tổ chức nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hội viên; Vận động các đơn vị trong ngành Xuất bản tại các địa phương thực hiện việc nâng cao văn hóa đọc; Tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới...

Cũng nhân dịp này, Đại hội đã bầu ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT làm Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017 - 2022).

Ngô Xuân Lộc

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục