THÔNG TIN THÊM
I. Thực trạng về thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam:
Thiếu vitamin A:
Năm 1995, Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) công nhận là đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức có YNSKCĐ. Kết quả Điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em (từ 6 – 59 tháng tuổi) tiến hành năm 2014 - 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%.
Thiếu máu:
Theo kết quả điều tra trên cho thấy 32,8% phụ nữ có thai; 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi (42,7% - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỷ lệ tương ứng là 26,3% và 20,8%. Tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % (ở trẻ em < 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu.
Thiếu kẽm
Cũng theo kết quả của cuộc điều tra vi chất năm 2014 - 2015 cho thấy có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và được đánh giá là ở mức nặng về YNSKCĐ. Tỷ lệ thiếu kẽm cao ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt ở miền núi (80,8%) và nông thôn (71,6%).
Thiếu vitamin D và can xi:
Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy tình trạng thiếu vitamin D còn rất phổ biến, tỷ lệ thiếu vitamin D huyết thanh và tỷ lệ vitamin D thấp là 17% và 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là 21% và 37% ở trẻ em. Nếu sử dụng ngưỡng là 75 nmol/L thì tỷ lệ thiếu vitamin D tương ứng là 90% ở cả phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
Thiếu Iốt:
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2013 – 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4 mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu iốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi <5% và mức trung vị iốt niệu ≥ 10 mcg/dl, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%.
II. Chiến lược thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam:
Phòng chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu VCDD là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020.
Chiến lược phòng chống thiếu VCDD gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD. Tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững.
Tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên truyền và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công công tác phòng chống thiếu VCDD.
Công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền bao gồm khuyến khích người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường VCDD; cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh cần được uống vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.
Đại biểu tham dự Hội nghị và Lễ phát động gồm có:
Về phía Trung ương:
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng và lãnh đạo Cục Y tế Dự Phòng, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng,….Bộ Y tế.
GS. TS. Lê Danh Tuyên – Viện trưởng và lãnh đạo các Khoa/ Phòng/Trung tâm của Viện Dinh dưỡng.
Tới dự lễ phát động còn có lãnh đạo các ban ngành của TW, đặc biệt có sự tham dự và đưa tin về sự kiện của phóng viên ở các cơ quan báo chí ở TW và địa phương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa: Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo Trung tâm CDC, và đại diện các ban ngành địa phương. Buổi lễ có sự tham gia của 800 cháu nhỏ là học sinh trường mầm non. Một số các đồng chí lãnh đạo Sở y tế, trung tâm YTDP/CDC các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định cũng tham dự để trao đổi, tham khảo kinh nghiệm triển khai bổ sung vitamin A và các chương trình dinh dưỡng.
|