Lừa đảo trong hoạt động Forex
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, hiện chưa cấp phép cho bất kỳ một tổ chức nào kinh doanh ngoại hối. Do đó, hoạt động của các sàn Forex hiện nay trong nước là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật. Người dân đưa tiền vào đây đầu tư hết sức rủi ro và luật pháp không bảo vệ.
Theo Nghị định 88/2019, hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 triệu đến 250 triệu đồng. Trường hợp nhân viên môi giới hay sàn Forex sử dụng các chiêu trò gian dối khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền, thì bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt có thể lên tới 20 năm.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã từng giao dịch tại các sàn Forex như: Tifia, KVP Prime, Exness, Lite Finance, Startrader… có nhiều dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng đứng sau quảng cáo rằng sàn forex có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng có văn phòng đại diện tại Việt Nam, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15-30%/tháng…
Chưa hết, trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: Chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan chức năng và nhà đầu tư không thể đòi lại tiền.
Loạt sàn forex có dấu hiệu lừa đảo bị NCSC “tuýt còi”.
Trong những năm gần đây, theo nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng các đối tượng lập website đánh bạc hay các website forex mọc lên như nấm sau mưa. Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện hoặc nghi ngờ các trang web lừa đảo, giả mạo, ngoài việc gửi phản ánh tới cơ quan công an địa phương gần nhất, các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân có thể thông tin trực tuyến tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, qua trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ http://www.canhbao.ncsc.gov.vn.
Sau khi tiếp nhận báo cáo của người dùng về trang web giả mạo, lừa đảo đến các hệ thống kỹ thuật, Cục An toàn thông tin, trực tiếp là NCSC, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá và xác định các trang web giả mạo, lừa đảo. Theo đó, trên cơ sở kết quả đánh giá và xác định này, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin cũng như an toàn thông tin sẽ có quyết định xử lý, ngăn chặn những trang web vi phạm.
Trước đó, NCSC đã chặn thông tin liên kết của sàn Exness qua Zalo và đã phát đi thông tin cảnh báo liên kết của sàn này bị chặn vì đã vi phạm các quy định chính sách.
Tiếp đó, NCSC cũng đồng loạt chặn thông tin liên kết của các sàn forex có nhiều dấu hiệu lừa đảo như: KVP Prime, Startrader…Nhiều website bị tố cáo cũng nằm trong danh sách “theo dõi” của đơn vị này, sau khi có kết quả điều tra và xác minh cụ thể, NCSC sẽ có biện pháp cụ thể cho từng trường hợp.
Số liệu mới nhất của Cục An toàn thông tin chỉ ra rằng, trong quý 1,2 và quý 3 năm 2022, cơ quan chức năng đã ngăn chặn tới 926 trang web lừa đảo, nhiều hơn gần 140 trang so với tổng số trang web bị chặn trong 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, chỉ trong tháng 8/2022, có tới 163 trang web bị chặn.
Bên cạnh việc giám sát 24/7, phát hiện, cảnh báo, xử lý website lừa đảo, vi phạm pháp luật; hỗ trợ xử lý ngăn ngừa người dùng Internet Việt Nam truy cập vào các trang lừa đảo, Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng Google duy trì trang Dauhieuluadao.com nhằm cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết