Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi giảm thêm 1,5 - 2% lãi suất cho vay

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2% cho cả khoản dư nợ hiện hữu và khoản vay mới.

Theo tờ Nhịp sống thị trường, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vửa có công văn gửi các tổ chức tín dụng hội viên, kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng giảm thêm 1,5 - 2% lãi suất cho vay.
Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng giảm thêm 1,5 - 2% lãi suất cho vay.

Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị Quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 5130/NHNN-TD ngày 30/6/2023 về việc triển khai Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay và Công văn số 5152/NHNN-CSTT ngày 30/6/2023 về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tập trung vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, hộ sản xuất - kinh doanh… có phương án khả thi.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 97 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Một nội dung đáng chú ý là Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%). Nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ", nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh, thông tin trên báo Tuổi trẻ.

Trên thực tế, theo báo Người lao động, lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao. Một số doanh nghiệp phản ánh đang phải trả lãi vay từ 13 - 14%/năm.

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 7/2023 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng ghi nhận lãi suất cho vay không giảm nhanh như lãi suất huy động và đang duy trì ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất - kinh doanh phổ biến từ 9 - 10%/năm, một số khoản vay tốt ở mức 7 - 8%/năm. Còn cho vay mua nhà, ôtô, vay tiêu dùng thì vào khoảng 11 - 14%/năm...

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục