Hiệp hội Bất động sản TP.HCM muốn bỏ cơ chế “xin - cho”

(Kinhdoanhnet) - Tiền sử dụng đất hiện đang là “gánh nặng” cho doanh nghiệp bất động sản và cả người mua nhà, đồng thời đây cũng là môi trường tạo ra cơ chế “xin - cho”.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM muốn bỏ cơ chế “xin - cho” - Ảnh 1
HoREA muốn bỏ cơ chế “xin - cho” để doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà bớt gánh nặng (Ảnh: Ngôn Dân)

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Chính phủ đang dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh", dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm 2016 đã bước đầu tiệm cận cách làm luật phổ biến của các nước trên thế giới là tu chính, sửa đổi, bổ sung từng điều luật để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

“Hiệp hội cho rằng đây là ‘cơ hội vàng’ để tạo sự chuyển biến lớn trong công tác xây dựng pháp luật, tạo hành lang pháp lý nhất quán, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, có tác động tích cực đến thị trường bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Cũng theo HoREA, hoàn thiện thể chế, phải loại trừ được lợi ích nhóm, phải loại trừ được hiện tượng "lobby" chính sách, phải khắc phục cho được xu hướng tập trung quyền lực xét duyệt, thẩm định về các Bộ, ngành (nguồn gốc đẻ ra cơ chế “xin - cho” và nhũng nhiễu), đi ngược lại xu thế phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây.

Để xóa bỏ cơ chế “xin - cho” một cách thiết thực, HoREA đề nghị thay thế chế định “tiền sử dụng đất” bằng sắc thuế “Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở” để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế “xin - cho”.
HoREA cho rằng, hiện nay, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách của địa phương rất lớn được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước. Theo cách hành thu hiện nay thì tiền sử dụng đất là “gánh nặng” của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải “gánh chịu” khi mua nhà; là “ẩn số”, không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư và là môi trường tạo ra cơ chế “xin - cho”.

Được biết, tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 8/11/2013 của UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ có đưa ra đề xuất “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.

Ngôn Dân

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục