Hết bị "tố" lừa đảo nhân viên, bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam lại bị tố làm khó khách hàng

Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam tuy giữ vị thế thứ 3 về mạng lưới phục vụ khách hàng trên toàn quốc nhưng công ty này liên tiếp bị khách hàng tố lừa đảo, trốn tránh trách nhiệm. Mới đây nhất, một khách hàng lại kêu cứu vì bảo hiểm Dai-Ichi cố tình làm khó khách hàng.

Sau 13 năm ra mắt thị trường Việt Nam, đến nay bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam đã lớn mạnh hơn gấp 10 lần về tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Chỉ sau 1 năm chính thức hoạt động tại Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam đã được Bộ Tài Chính cho phép tăng vốn đầu tư từ 25 triệu đô la Mỹ lên 72 triệu đô la Mỹ (tương đương 1.141 tỷ VNĐ), trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có vốn điều lệ đã góp lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam cũng vinh dự nhận danh hiệu “Công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu” và lọt top 3 “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” năm 2018 trong ngành bảo hiểm.

Nếu so với những công ty bảo hiểm nhân thọ khác thì Dai-ichi có tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, năm 2017 Dai-ichi Life Việt Nam giữ vị trí thứ 3 về mạng lưới phục vụ khách hàng sau Bảo Việt và Prudential Việt Nam. Công ty có hơn 260 văn phòng và tổng đại lý phủ khắp 63 tỉnh thành toàn quốc.

Thế nhưng trong quá trình hoạt động, công ty bảo hiểm này liên tiếp dính tới những bê bối bị khách hàng tố vô trách nhiệm, làm mất lòng khách hàng, bị khách hàng"tố" lừa đảo, bị thua kiện bồi thường hơn 765 triệu đồng. Thậm chí, bị chính nhân viên tố lừa đảo chục tỷ đồng.

Bảo hiểm Dai-Ichi đang làm khó khách hàng?

Hết bị "tố" lừa đảo nhân viên, bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam lại bị tố làm khó khách hàng - Ảnh 1
Bà Thắm bức xúc vì những yêu cầu "vô lý" của Dai - Ichi. Ảnh: Báo Dân Việt


Báo Dân Việt mới đây đưa tin, bà Phạm Thị Thắm, sinh năm 1977, thường trú tại 147A Khu Phố 4, Phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang, phản ánh, sau khi chồng chết (ông Nguyễn Phú Sơn), bà đã nộp cho Dai - Ichi đầy đủ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm tử vong.

Tuy nhiên, Dai-Ichi lại yêu cầu bà Thắm phải cung cấp các hồ sơ, chứng cứ bao gồm: “Hồ sơ tai nạn của Người được bảo hiểm Nguyễn Phú Sơn do công an điều tra (cấp huyện/tỉnh/trung ương) lập, bao gồm: Biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường; Biên bản vụ tai nạn; Biên bản khám nghiệm tử thi; Biên bản giám định pháp y về tử thi; Biên bản kết luận điều tra".

Nhưng tài liệu phía Dai Ichi yêu cầu là các tài liệu hồ sơ của cơ quan điều tra. Phía cơ quan điều tra chỉ lập hồ sơ nói trên khi xét thấy cần thiết và cũng không phải là nghĩa vụ của người dân buộc cơ quan điều tra phải lập hồ sơ đó cho mình.

Mặt khác, theo Hợp đồng bảo hiểm, gia đình bà Thắm không có bất cứ giao kết hay thỏa thuận nào về việc phải nộp các tài liệu/hồ sơ nói trên. Hơn nữa, ngày 21/2/1019, cơ quan Công an xã Bình An (Huyện Châu Thành, Kiên Giang) đã xác nhận việc cơ quan chức năng không lập hồ sơ tai nạn của ông Nguyễn Phú Sơn. Do đó, các hồ sơ nói trên không thể có được.

Phía đại diện Dai – Ichi đưa ra lý do chưa đồng ý chi trả quyền lợi bảo hiểm bổ sung cho khách hàng là bởi bà Thắm chưa cung cấp được những giấy tờ mà Dai – Ichi yêu cầu.

Ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm Tilacho rằng, việc Dai – Ichi yêu cầu khách hàng những loại giấy tờ trên đồng nghĩa với việc họ đã bác bỏ toàn bộ chứng cứ pháp lý do chính quyền địa phương lập.

Bị nhân viên “tố” lừa đảo gần chục tỉ đồng

Hết bị "tố" lừa đảo nhân viên, bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam lại bị tố làm khó khách hàng - Ảnh 2

Người lao động “tố” Dai-ichi lừa đảo gần chục tỷ đồng.


Cuối tháng 11/2018, các nhân viên đại lý, các tư vấn tài chính thuộc Kênh phân phối mở rộng của Bảo hiểm Dai-ichi có trách nhiệm tư vấn, ký kết làm hồ sơ cho khách hàng để hoàn thành chỉ tiêu 200 tỉ đề ra.

Tuy nhiên, đến ngày 28/12/2018, sau khi gần như đã hoàn thành 100% lượng công việc và doanh số, nhân viên bất ngờ khi nhận được email của công ty (Dai-ichi) về việc điều chỉnh mức thưởng.

Cụ thể, doanh nghiệp này bất ngờ cắt giảm khoảng gần 80% thưởng so với trước đó, mức điều chỉnh này áp dụng cho cả quý 4/2018. Quyết định này khiến người lao động bức xúc.

Vì vậy, hàng loạt người lao động đã làm đơn gửi lên Ban lãnh đạo với mong muốn hủy bỏ quyết định nhưng chưa được chấp nhận thỏa đáng.

Ngày 23/1/2019, Bảo hiểm Dai-ichi có ra công văn điều chỉnh lại mức thưởng và đến ngày 15/2/2019 công ty có trả thu nhập quý 4 nhưng vẫn chưa thanh toán đủ hoa hồng cho các nhân viên. Không thỏa mãn, nhiều lao động tiếp tục có kiến nghị nhưng phía công ty chưa có bất cứ phản hồi hay trách nhiệm nào.

Hết bị "tố" lừa đảo nhân viên, bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam lại bị tố làm khó khách hàng - Ảnh 3
Phản ánh của khách hàng. (Ảnh chụp màn hình).


Thực tế, khách hàng khi mua bảo hiểm phía nhân viên chỉ nói tới các điều kiện thuận lợi, họ bỏ qua việc phổ biến kỹ càng cho khách hàng biết những rủi ro, quyền lợi có thể sẽ bị mất. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra khách hàng không biết phải kêu cứu ai.

Tuy chưa rõ ngọn ngành nhưng các vấn đề này đặt dấu hỏi về dịch vụ của công ty và liệu còn trường hợp nào sẽ xảy ra tương tự nữa không? Những giải thưởng và kết quả đã đạt được suốt 13 năm qua có phản ánh đúng thực chất chất lượng dịch vụ của hãng bảo hiểm này?

Hà Phương (t/h)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục