Hậu G20, nước Mỹ vẫn một mình một phách

(Kinhdoanhnet) - Từ chối thông qua dự thảo về biến đổi khí hậu, kiên quyết từ bỏ tự do hóa thương mại, đe dọa đánh thuế nhập khẩu thép...dường như Tổng thống Donald Trump đang đưa nước Mỹ đi một mình một lối, đối lập với tất cả.

Không có thỏa thuận khí hậu

19 trên 20 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 cam kết sẽ thực hiện đầy đủ hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Quốc gia duy nhất không đưa ra lời hứa là Mỹ, khi tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp định này từ hồi đầu tháng 6.

Hậu G20, nước Mỹ vẫn một mình một phách - Ảnh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters.

Trong thông cáo chính thức, các lãnh đạo G20 ghi nhận quyết định rút lui của nước Mỹ. Thông cáo này cũng cho biết thêm rằng quyết định của tổng thống Trump là “không thể đảo ngược”.

Trước khi rút lui, ông Trump từng tuyên bố sẽ giúp nền công nghiệp than đá của Mỹ có “sự trở lại”. Ông cũng chỉ trích hiệp định khí hậu Paris làm mất việc làm cho người Mỹ. 

Chia rẽ với đồng minh

Từng được xem là chỗ dựa vững chắc, giờ đây Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump lại bị coi là “mối đe dọa” đối với sự thống nhất và an ninh của châu Âu.

Đi ngược lại các nguyên tắc, thỏa thuận mà Mỹ đã từng cam kết hay theo đuổi, ông Trump công khai ủng hộ Brexit, chống lại chính sách của EU đối với người Hồi giáo nhập cư và người tị nạn, đe dọa không thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO…

Quan điểm trên của chính quyền Mỹ đã tạo nên những khác biệt và bất đồng tại Thượng đỉnh G20 lần này. Lần đầu tiên tham dự hội nghị quan trọng của nhóm các nền kinh tế G20, Tổng thống Trump được báo chí mô tả với cụm từ “bị cô lập”.

Duy trì chính sách "nước Mỹ trên hết"

Thương mại trở thành vấn đề nóng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này ở Hamburg, Đức khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình. Ông Trump tập trung vào việc làm cho thương mại công bằng và tự do, chỉ trích các mối quan hệ thương mại trong đó các nước khác bán nhiều hơn là mua của nước Mỹ.

Lặp đi lặp lại khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump liên tục lên án các hiệp định thương mại, nói nước mình đang chịu thiệt trong nền kinh tế thế giới. Lấy lí do đó, ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Obama đã vất vả gây dựng. Ông cũng đang đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, bao trùm Mỹ, Canada và Mexico. Ông còn ám chỉ rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông viết trên Twitter "Mỹ tham gia toàn những Hiệp định tệ nhất trong lịch sử. Sao chúng ta cứ có các thỏa thuận chả có ích gì?"

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng chỉ trích quan điểm về thương mại toàn cầu của ông Trump. “Trong khi chúng ta đang tìm kiếm khả năng hợp tác để tất cả cùng có lợi, thì Mỹ lại nhìn nhận toàn cầu hoá dưới con mắt của người chiến thắng, kẻ thua cuộc mà không phải mối quan hệ đôi bên cùng có lợi", bà Angela Merkel nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Die Zeit của Đức.

Đe dọa đánh thuế thép, kể cả đồng minh

Lấy lý do an ninh quốc gia, chính quyền ông Trump đang toan tính áp đặt thuế nhập khẩu thép. Tổng thống Mỹ lý giải rằng, Mỹ quá phụ thuộc vào thép nước ngoài khi chế tạo thiết bị quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng như đường và cầu.

Động thái này có vẻ nhắm thẳng đến Trung Quốc, với sản lượng thép khổng lồ giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường thế giới, đang bị các đối thủ cạnh tranh phản đối.

Tuy nhiên, hầu hết thép từ Trung Quốc nhập vào Mỹ đã bị giới hạn bởi thuế và các rào cản khác, được kích hoạt theo quy định của WTO, vốn cho phép các nước thành viên bảo hộ công nghiệp nội địa nếu lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng quá nhanh. 

Lấy cớ an ninh quốc gia để áp thuế, chính quyền ông Trump tỏ ra không tôn trọng quy tắc và thỏa thuận quốc tế.

Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu thép, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Và tất nhiên, để đáp lại, Châu Âu sẽ sẵn sàng trả đũa - gây lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho biết cho rằng, căng thẳng giữa EU và Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại.

“Có rất nhiều vấn đề khiến chúng tôi lo lắng rằng Mỹ có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với EU. Tất nhiên, điều này có thể gây ra các biện pháp đáp trả từ phía EU", Gabriel nói.“Điều này gây tổn hại tới nền kinh tế EU, nhưng Mỹ cũng phải chịu tổn thất tương tự", ông nói.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục