Bộ Công Thương mới dẫn báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong số đó có 50 container đang chứa hàng và 4.072 container rỗng. Bên cạnh đó, Hanjin còn nợ phí hoa tiêu của một doanh nghiệp Việt Nam số tiền gần 118.000 USD.
Hàng nghìn container của Hanjin vẫn chưa được giải phóng tại cảng
ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cho biết, Cục Hàng Hải Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các Cảng vụ, Hiệp hội chủ hàng, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội chủ tàu và hiệp hội ngành hàng... phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành theo dõi sát tình hình tàu biển và container của Hanjin vào cảng. Qua đó lập kế hoạch, bố trí phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng thuận tiện.
Tuyên bố phá sản của hãng tàu Hanjin Hàn Quốc được phát đi hồi tháng 9 vừa qua đã gây chấn động đến ngành vận tải biển thế giới bởi đây là hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc.
Hanjin được đánh giá là một trong 10 công ty dẫn đầu về vận tải container trên toàn thế giới. Đây có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986.
Việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã khiến nhiều chủ hàng Việt trở tay không kịp.
Lo ngại về việc phá sản của Hanjin sẽ kéo theo hàng loạt các dịch vụ vận tải biển bị ngưng trệ, dẫn đến việc thương mại toàn cầu có nguy cơ bị xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao nhận hàng hoá xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ từ các hãng logistics cần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin thường xuyên về các nhà vận chuyển, hãng tàu để có cân nhắc phù hợp.
Thu Hà (Tổng hợp)