Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh gas lại vừa có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về việc cân nhắc, xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas tại Nghị định 19.
Ông Lê Xuân Tuyến, Giám đốc công ty cổ phần Việt Xô Gas (đại diện cho 300 doanh nghiệp gas ở Thái Bình), cho rằng theo quy định tại Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh gas, thương nhân phân phối gas cấp 1 phải có bồn chưa 800 m3 và 300.000 vỏ bình. Để đáp ứng quy định này, doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng với một lượng tiền lớn để đầu tư và hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp "kêu" việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas tại Nghị định 19 khiến doanh nghiệp "sống dở chết dở" với khoản tiền đã vay để đầu tư.
Nghị định 19/2016 ra đời thay thế Nghị định 107 đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng lại đưa ra một số quy định mà theo chủ doanh nghiệp này, là hạ chuẩn như quy định bồn chứa chỉ còn 300m3 và 100.000 vỏ bình.
Các quy định này theo ông Tuyến là chỉ bằng một phần ba so với trước đây, khiến ông lo lắng, sẽ dẫn đến tình trạng các thương nhân không đáp ứng được điều kiện về bồn chứa, vỏ bình trước đây nghiễm nhiên tham gia thị trường.
Do đó, ông Tuyến đề nghị giữ nguyên quy định về sở hữu bồn chứa 300 m3 và 100.000 vỏ chai gas theo Nghị định 19; đồng thời, giữ nguyên điều kiện nạp gas vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh đầu mối. Điều này nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh đầu mối với các hoạt động của trạm nạp vào chai thuộc thương nhân quản lý.
Còn theo ông Lê Khắc Lãm, Giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Hoàng Lãm, Nghị định 19 đã quy định rõ các hình thức kinh doanh gồm: thương nhân xuất, nhập khẩu gas; thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân phân phối; tổng đại lý và đại lý; cửa hàng kinh doanh. Nghĩa là, năng lực thương nhân tới đâu làm tới đó.
Dù đủ điều kiện làm tổng đại lý theo Nghị định 19, nhưng ông Lãm cho hay, nếu Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh như giảm bồn chứa và vỏ bình sẽ là cái cớ để các thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không có cơ sở hạ tầng hợp thức hóa để thành thương nhân phân phối.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lo ngại quy định điều kiện thương nhân phân phối phải có bồn chứa 300 m3 và 100.000-150.000 bình là quá chặt chẽ, bất hợp lý dẫn đến nguy cơ phá sản, thì các doanh nghiệp lớn lại ủng hộ để tránh rối loạn cho thị trường.
Trước những ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay cách đây một tháng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi.
Thu Trang (TH theo Vnexpress, Zing)