Chốt phiên 26/10, sàn HoSE chỉ còn 24 mã tăng và 505 mã giảm (122 mã giảm sàn), VN-Index giảm 46,21 điểm (-4,19%), xuống 1.055,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,17 tỷ đơn vị, giá trị 23.243,6 tỷ đồng, tăng tới gần 120% về khối lượng và 110% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,5 triệu đơn vị, giá trị 1.045 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, bi đát nhất là nhóm bất động sản. Hàng loạt mã la liệt giảm kịch sàn như VHM, VIC, VRE, NVL, PDR, KBC, VCG, TCH, DXS, CRE, AGG, CII, IJC, QCG, SCR, KHG, NBB... Các mã khác đa phần cũng giảm sâu.
Nhóm sản xuất cũng không chịu thua kém khi MSN, GVR, DCM, HSG, DBC, NKG, HT1, ANV, PAN, IDI, MSH đều giảm kịch biên độ. Theo sau là VNM giảm 2,9%, HPG giảm 5,2%, SAB giảm 4,34%, DGC giảm 4,82%, DHG giảm 5,25%, VHC giảm 2,74%, DPM giảm 6,23%...
Cổ phiếu chứng khoán cũng bị dìm xuống đáy. Cụ thể, VND, VIX, FTS, CTS, AGR, TVS đều rơi kịch biên độ. Trong khi đó, SSI giảm 6,82%, VCI giảm 6,72%, HCM giảm 6,62%, VDS giảm 6,48%.
Cổ phiếu năng lượng cũng lao dốc không phanh. Theo đó, GAS giảm 6,09%, POW giảm 3,57%, PGV giảm 5,65% còn PLX thì giảm kịch sàn.
Cổ phiếu hàng không và bán lẻ cũng diễn biến tiêu cực: VJC và HVN lần lượt mất đi 2,92% và 4,95% giá trị; MWG giảm 3,45%, PNJ giảm 0,4% và FRT giảm 2,21%.
Nhóm ngân hàng mặc dù không có mã nào "lau sàn" nhưng cũng rất nhiều mã mất hơn 3% giá trị, như VPB, TCB, MBB, ACB, STB, VIB, OCB, LPB, MSB.
May mắn nhất phiên này là các cổ phiếu ngân hàng BID, VCB, SSB khi chỉ mất từ 0,5% đến 1,5%. Phần còn lại giảm từ hơn 2% đến 3,8%, như CTG, HDB, VJC, MBB, MWG, ACB.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã hồi phục đôi chút vào đầu phiên chiều trước khi lực bán quay trở lại đẩy chỉ số giảm sâu hơn và có nhịp nảy nhẹ về cuối ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 20 mã tăng và 185 mã giảm (37 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 12,03 điểm (-5,3%), xuống 219,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 175,4 triệu đơn vị, giá trị 3.133,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,4 triệu đơn vị, giá trị 280,5 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nới đà đi xuống khi lực bán tiếp tục gia tăng và cũng chỉ có nhịp nảy nhẹ thu hẹp đôi chút đà giảm ở cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,78 điểm (-3,25%), xuống 82,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,9 triệu đơn vị, giá trị 821,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 0,47 triệu đơn vị, giá trị 4 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sâu, mất từ hơn 43 điểm đến gần 60 điểm. Trong đó, VN30F2311 giảm 49,2 điểm, tương đương -4,44% xuống 1.060 điểm, khớp lệnh tăng vọt với hơn 427.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, với CVPB2307 phiên này là mã được giao dịch nhiều nhất khi có hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 21,7% xuống 180 đồng/cq, theo sau là CHPG2324 với hơn 6,33 triệu đơn vị và giảm mạnh hơn 37% xuống 170 đồng/cq.