Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên gia và dư luận. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, có thể thấy cả hai phương án đều đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính hiệu quả, hợp lý và đặc biệt là mức độ tương thích với chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí mà Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh.
Thực hiện cả hai phương án là đầu tư trùng lặp, thiếu tính tối ưu
Trong phương án thứ nhất, việc kéo tuyến ống dài từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè cách sân bay Long Thành gần 50 km không chỉ tốn kém về chi phí đầu tư và vận hành, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro kỹ thuật và an ninh hạ tầng trong quá trình khai thác lâu dài. Tuyến đường ống này phải đi qua khu vực đô thị hóa dày đặc, nhiều công trình ngầm; đồng thời, chịu sự giám sát chặt chẽ về môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy, dẫn đến chi phí bảo trì, vận hành có xu hướng ngày càng tăng.
Về bản chất, đây là một phương án “kéo dài” hệ thống cũ, tận dụng kho đã có để tiết giảm đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, lựa chọn này lại bỏ qua lợi thế rõ rệt về vị trí địa lý của khu vực cảng Gò Dầu, nơi chỉ cách sân bay khoảng 30 km, có mặt bằng thông thoáng hơn và hoàn toàn có thể phát triển thành một kho đầu nguồn mới, khép kín, hiện đại và dễ kiểm soát.
Quan trọng hơn, phương án kho đầu nguồn và tuyến ống từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè là một mô hình phụ thuộc – phụ thuộc vào hạ tầng cũ, phụ thuộc vào điều kiện địa hình – quy hoạch – pháp lý của TP HCM trong khi sân bay Long Thành tọa lạc tại Đồng Nai và phụ thuộc vào một tổng kho vốn đã vận hành với công suất cao, ít dư địa mở rộng.
Phương án thứ hai, đầu tư mới kho đầu nguồn và tuyến ống từ cảng Gò Dầu B; thoạt nhìn có vẻ thấy cần phải có một chuỗi đầu tư đồng bộ từ cảng, kho đến đường ống. Điều này dĩ nhiên làm gia tăng chi phí đầu tư ban đầu, so với phương án tận dụng hạ tầng có sẵn tại Nhà Bè. Tuy nhiên, chính việc đầu tư mới, tổng thể và chủ động lại là cơ hội để thiết lập một hệ thống hiện đại, chuyên biệt và tối ưu hóa vận hành ngay từ đầu, thay vì chắp vá vào một hạ tầng vốn đã quá tải và khó mở rộng. Hơn nữa, phương án đầu tư mới kho đầu nguồn và tuyến ống từ cảng Gò Dầu B không chỉ phục vụ cho Long Thành. Với vị trí chiến lược và khả năng tích hợp vào quy hoạch hạ tầng năng lượng liên vùng, hệ thống kho – cảng – ống từ Gò Dầu hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trung chuyển nhiên liệu cho toàn vùng Đông Nam Bộ, tạo ra dư địa khai thác thương mại và tăng tốc hoàn vốn theo nhiều hướng.
Việc đầu tư song song hai tuyến ống, hoặc ưu tiên một tuyến mới từ Nhà Bè nhưng vẫn làm tuyến Gò Dầu không chỉ tạo ra sự dư thừa trong hệ thống mà còn tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh nguồn lực đầu tư, khó đảm bảo hiệu quả tổng thể. Nếu không có quy hoạch rõ ràng, sẽ dẫn đến vận hành chồng chéo, tốn kém chi phí logistics. Hậu quả là giá nhiên liệu bay tăng, kéo theo giá vé máy bay cao hơn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành hàng không. Thay vì đầu tư dàn trải, cần chọn một phương án hợp lý và tập trung nguồn lực thực hiện cho hiệu quả.
Đi ngược lại tinh thần tiết kiệm, hiệu quả
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước và xã hội đang được siết chặt theo hướng đầu tư công hiệu quả, tránh dàn trải, việc đề xuất đồng thời hai phương án đầu tư quy mô lớn cho cùng một chức năng – cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành – là một bước đi cần được cân nhắc lại. Không chỉ là bài toán chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, mà còn là bài toán về niềm tin vào sự minh bạch, đúng hướng của các quyết sách đầu tư công, đặc biệt tại các công trình trọng điểm quốc gia.
Chủ trương “tiết kiệm, chống lãng phí” không phải là khẩu hiệu, mà là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng và Chính phủ suốt nhiều năm qua. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, mọi quyết định đầu tư càng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Phương án được chọn phải đảm bảo tiết kiệm tối đa, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu hiệu quả và linh hoạt. Tuyệt đối tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Một tuyến ống - quy hoạch động - tích hợp vùng
Thay vì đầu tư hai tuyến ống, một phương án tích hợp sử dụng tuyến từ Gò Dầu nơi có khả năng phát triển cảng chuyên dụng kết hợp với trạm trung chuyển gần Long Thành, sẽ là hướng đi tiết kiệm và linh hoạt hơn. Hệ thống này có thể được mở rộng theo giai đoạn, phù hợp với sự tăng trưởng dần của Long Thành và thị trường hàng không. Ngoài ra, cần xem xét tận dụng các tuyến ống đa năng, có thể cung cấp nhiên liệu cho cả sân bay và khu công nghiệp, khu dân cư, giúp tăng hiệu suất đầu tư, tránh xây dựng hạ tầng đơn nhiệm, tách rời.
Sân bay Long Thành là một biểu tượng cho tầm nhìn hạ tầng quốc gia hiện đại; mỗi quyết sách xung quanh nó cần được soi chiếu dưới lăng kính thực tiễn, tiết kiệm và bền vững. Hai phương án mà Petrolimex đưa ra, dù có lý lẽ riêng, vẫn cần được thẩm định một cách khách quan, kỹ lưỡng hơn, tránh biến bài toán hạ tầng trở thành gánh nặng dài hạn cho nền kinh tế và cho chính các doanh nghiệp đang kiến tạo nó./.