Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội có chiều hướng tăng cao, số ca nhiễm ngoài cộng đồng ghi nhận hàng trăm ca. Đáng chú ý, ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca nhiễm COVID-19, trong đó 103 ca F0 ngoài cộng đồng. Đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta.
Hà Nội sẽ tiếp tục sẽ có điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch
Sáng 10/11, trả lời vấn đề tranh luận công tác cách ly F1 tại nghị trường Quốc Hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dựa vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, các điều kiện cách ly tại nhà.
Từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các phương án, giải pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với mục đích đảm bảo an toàn, sức khỏe tốt nhất cho người dân, phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo bà Hà việc này nhằm mục đích đảm bảo an toàn sức khoẻ tốt nhất cho người dân và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Hà Nội tuân thủ việc thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1.
Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý, cách ly F1. "Dự báo tình hình dịch bệnh tại Hà Nội sẽ diễn biến khó lường. Hà Nội sẽ tiếp tục sẽ có điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, cách ly để đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ, vừa đảm bảo phù hợp với tình hình tại địa phương", bà Hà cho hay.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, nhiều trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố đã được kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca COVID-19 trong khu dân cư.
Với các tình huống giả định được đặt ra, các buổi diễn tập diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người nhiễm COVID-19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19; phản ứng khi người dân mắc vi rút SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…
Theo đánh giá, các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình ô xy, thuốc theo danh mục…, tất cả đều đáp ứng yêu cầu.
Dần hướng tới cuộc sống bình thường hóa cho người dân
Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, số F0 của thành phố Hà Nội tăng lên trong những ngày qua là rất dễ hiểu. Do dịch bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, người dân đi lại nhiều nên chuỗi lây nhiễm vẫn tồn tại.
Nhiều người tỏ ra lo ngại TP Hà Nội có thể bùng phát dịch mạnh như TP HCM, PGS Huy Nga khẳng định, dịch xảy ra ở Hà Nội khó có thể bùng phát như tại TP HCM. Do số lượng người tiêm vắc xin tại Hà Nội ở mức độ cao cho nên số ca bệnh nặng sẽ giảm. Như vậy hệ thống y tế sẽ không rơi vào tình trạng quá tải.
Để đáng giá mức độ nguy hiểm tình hình dịch tại Hà Nội là rất khó, vì Hà Nội chỉ đưa con số F0 mà không có báo cáo về người có triệu chứng nặng phải nhập viện, người tử vong, tỷ lệ người đã được tiêm vắc xin dương tính... Có những con số này thì mới có thể nhận định được tình hình dịch của thành phố.
PGS Huy Nga phân tích: "Đừng nhìn vào con số F0 tăng lên mà lo sợ, F0 tăng nhưng không có triệu chứng, không có ca nặng cần nhập viện thì không có gì lo ngại. Tại Thái Lan số ca mắc hàng ngày vẫn rất cao nhưng nước họ vẫn mở cửa cho gần 70 nước tới du lịch, trong đó có cả Việt Nam".
Tuy nhiên, vị chuyên gia dịch tễ cũng chỉ ra Hà Nội cần phải thay đổi tăng cường hệ thống cơ sở, đẩy mạnh chuyên môn để hệ thống y tế này sẽ tham gia vào chẩn đoán, điều trị và phân loại ca bệnh dương tính. Trường hợp F0 không triệu chứng có thể điều trị tại nhà. Những F0 có nguy cơ cao mới cần tới viện điều trị.
F1 thì nên cách ly tại nhà. Việc cách ly tập trung gây ra việc tốn kém và tăng nguy cơ lấy nhiễm chéo trong khu cách ly. Trên thực tế, không ít trường hợp hết thời gian cách ly tập trung khi về nhà phát hiện dương tính.
"Chúng ta dần hướng tới cuộc sống bình thường hoá cho người dân, thì việc cho F0 điều trị, F1 cách ly tại nhà cũng là cách để người dân tự giác hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính minh", PGS Huy Nga chia sẻ. Bên cạnh đó, thành phố cần có cách quản lý bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền. Cần phải đảm bảo nhóm yếu tố nguy cơ cao này phải tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết