Hạ dự báo kết quả kinh doanh tại doanh nghiệp thép Hòa Phát, Hoa Sen

Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim giảm sút vì giá thép đi xuống. Ông Trần Đình Long cũng từng nhận định ngành thép năm 2022...

Thị trường xuất khẩu yếu đi và giá thép suy giảm được cho là những nhân tố khiến cho lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim đi xuống trong năm 2022 sau khi lập kỷ lục trong năm 2021.

Do đó, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) từ khoảng 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ và 26.500 tỷ, lần lượt tăng 6,9% và giảm 23,1% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Con số lợi nhuận mà SSI dự báo nằm trong nửa thấp của khoảng mục tiêu lãi sau thuế 25.000 – 30.000 tỷ đồng mà Hòa Phát đã đặt ra. Một công ty chứng khoán khác là ACBS tỏ ra bi quan hơn khi dự phóng lợi nhuận 24.828 tỷ đồng.

SSI dự báo sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng Hòa Phát năm nay có thể đạt 4,7 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ; HRC dự kiến đạt 2,8 triệu tấn, tăng 9%, ống thép 690.000 tấn, tăng 5%, và phôi thép 700.000 tấn, giảm 46,6%.

Hạ dự báo kết quả kinh doanh tại doanh nghiệp thép Hòa Phát, Hoa Sen - Ảnh 1

Quý I vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 44.058 tỷ và lãi sau thuế 8.206 tỷ, lần lượt tăng 41% và 17% so với cùng kỳ 2021.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết hoạt động ngành thép năm 2022 có nhiều khó khăn.

“Mọi người cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và hết năm rồi sẽ thấy tại sao chúng tôi thận trọng. Kế hoạch năm nay là khó. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói.

Nguyên nhân thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện coke tăng 100 - 200 USD/tấn, ông Long chỉ ra. Nguyên nhân thứ hai là chính sách Zero COVID của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm. Trung Quốc chiếm 60% sản lượng tiêu thụ của thế giới nên  khi đất nước tỷ dân phong tỏa, nhu cầu cũng đi xuống rõ rệt.

Khi xung đột Nga - Ukraine mới bùng ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh do Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.

Đối với Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG), SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của niên độ này đạt khoảng 1.400 tỷ, giảm 67% so với năm 2021 mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Sản lượng tiêu thụ được dự báo sẽ giảm 12,7% xuống còn 1,96 triệu tấn, chủ yếu do xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6%.

Quý 1 vừa qua, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.661 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của Hoa Sen chỉ còn 234 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp giảm còn 1.430 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với quý II niên độ trước. Chi phí bán hàng tăng thêm tới 279 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp thêm 99 tỷ.

Hạ dự báo kết quả kinh doanh tại doanh nghiệp thép Hòa Phát, Hoa Sen - Ảnh 2

Năm 2022, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, Tập đoàn Hoa Sen thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2021-2022 với doanh thu 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận dao động 1.500-2.500 tỷ đồng, tùy thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào; tương ứng giảm 42-65% so với kết quả đạt được ở năm 2021.

Còn tại Thép Nam Kim (mã: NKG), SSI dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ giảm 39% xuống còn 1.350 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ giảm 4% còn 1,04 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu có thể giảm 9% còn tiêu thụ trong nước tăng 5%.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022,  NKG lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 28.000 tỷ đồng, tương đương năm ngoái và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 28% so với năm kỷ lục 2021, nhưng vẫn cao hơn so với kết quả năm 2020 trở về trước. Mức sản lượng thép dự kiến năm nay đạt 1,12 triệu tấn, tăng 3,7% so với năm 2021.

Quý 1/2022, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần hơn 7.151 tỷ đồng, tăng 47%. Lãi ròng 507 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Như vậy sau quý 1, hãng thép có trụ sở ở Bình Dương này đã đạt 32% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Hoàng Long

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục