Ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan, bộ ngành tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật. Thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhất là với các ngân hàng yếu kém, nhằm hoàn thành mục tiêu giảm số lượng ngân hàng từ hơn 30 xuống còn 15 - 17 ngân hàng vào cuối năm 2017.
Mở màn bằng thương vụ khá đình đám, gây xôn xao dư luận đó là việc NHNN tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/ cổ phần và chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB. Đồng thời cử ngân hàng Vietcombank sẽ tham gia quản trị, điều hành VNCB.
GPBank liệu có thể tăng vốn thành công?
Tiếp theo đó vào những ngày cuối tháng 04/2015, dư luận lại tiếp tục được phen xôn xao khi Oceanbank cũng đã chính thức phải “về tay” NHNN với giá 0 đồng do không thể tăng vốn điều lệ.
Đến thời điểm hiện tại chỉ còn GPBank là ngân hàng yếu kém duy nhất còn lại trong số 9 ngân hàng đã được NHNN "điểm danh" trong kế hoạch tái cấu trúc thị trường đợt đầu tiên vẫn chưa có thực hiện tái cơ cấu. Và hiện tại NHNN cũng đã tính đến hướng sẽ “quốc hữu hóa” ngân hàng này giống như Oceanbank và VNCB sau thương vụ bán 100% vốn cho một đối tác nước ngoài không thành công.
Nếu như trong cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 20/6 tới đây, GPbank không thể thực hiện tăng vốn thành công thì có lẽ ngân hàng này cũng sẽ phải “chịu chung số phận” như Oceanbank và VNCB. Nếu điều này xảy ra thì đồng nghĩa với việc, các cổ đông hiện hữu của GP bank đang đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã thực hiện đầu tư vào ngân hàng này.
Trước đó vào cuối tháng 05 vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định đình chỉ quyền và nghĩa 3 sếp lớn của ngân hàng này. Đó là ông Tạ Bá Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị; ông Đoàn Văn An - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị; bà Tạ Thu Thủy đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị GPBank.
Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPBank tiếp tục diễn ra bình thường, NHNN đã chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPBank kể từ ngày 08/4/2015. Bà Trần Thị Lệ Nga nguyên là Trưởng ban Kiểm soát của VietinBank.
Việc thay đổi nhân sự cấp cao của GPBank, đặc biệt người đại diện pháp luật mới của ngân hàng này lại đến từ VietinBank đã khiến cho dư luận ngày càng hoài nghi về khả năng GPBank có thể là ngân hàng tiếp theo bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Theo các chuyên gia nhận định, 3 năm qua đã là thời gian quá đủ để GPBank tìm ra phương án tái cơ cấu cho chính mình. Tuy nhiên GPBank không thể tự tìm ra giải pháp thì việc NHNN ra tay là điều khó tránh, bởi nếu để quá lâu, sự tồn tại của ngân hàng này sẽ là gánh nặng cho toàn hệ thống nhưng dù bị xử lý theo cách nào thì quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng này sẽ vẫn luôn luôn được bảo đảm.
Anh Công (TH theo ANTT; Baodautu.vn)