Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank) vừa chính thức có thông báo gửi tới các cổ đông về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 vào ngày 20/06 tới đây.
Cụ thể đơn vị này sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào sáng ngày 20/6/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thành phần tham dự là toàn bộ Cổ đông sở hữu cổ phần tại danh sách cổ đông chốt ngày 04/06/2015.
Nếu như lần tổ chức họp ĐHCĐ này mà không thực hiện được, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 27/6/2015. Trong trường hợp lần 2 cũng bất thành sẽ chuyển sang tổ chức cuộc họp lần 3 vào ngày 02/7/2015. Cuộc họp lần 3 này sẽ không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp.
GPBank chính thức thông báo triệu tập ĐHCĐ bất thường để tăng vốn.
Nội dung chính của cuộc họp Đại hội cổ đông lần này la việc GPBank muốn thực hiện tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động kinh doanh và giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu GPBank phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày 04/6/2015.
Nếu trong trường hợp không thể thực hiện bổ sung vốn theo quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của GPBank khá “bết bát”, do vậy ngân hàng này đã đưa ra phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiền riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài. Giá chào bán 10.000 đồng/ cổ phần.
Bởi nếu muốn thực hiện chào bán công khai, Ngân hàng phải có lãi trong năm liền trước, đồng thời không có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán. Trong khi đó GP Bank lại không đáp ứng được yêu cầu trên.
Do việc phát hành tăng vốn đồng thời do số lượng nhà đầu tư có giới hạn nên nhà đầu tư khi mua cổ phần sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược lâu dài.
Việc GPBank triệu tập ĐHCĐ bất thường khiến cho dư luận liên tưởng tới hai ngân hàng đã buộc phải về tay Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng đó là VNCB và Oceanbank. Bởi trước khi bị “quốc hữu hóa” hai ngân hàng này cũng đã lên kế hoạch đại hội cổ đông cho cả 3 lần với mục tiêu là bổ sung vốn điều lệ theo quy định, tuy nhiên các cổ đông đã không đồng thuận và kết quả Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải mua lại toàn bộ cổ phần của hai ngân hàng này với giá 0 đồng.
Do đó nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như trong cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 20/6 tới đây, GPbank không thể thực hiện tăng vốn thành công thì có lẽ ngân hàng này cũng sẽ phải “chịu chung số phận” như Oceanbank và VNCB. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cổ đông hiện hữu của GP bank đang đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã thực hiện đầu tư vào ngân hàng này.
Anh Công (Th theo Trí thức trẻ;NDH)