GOSU: Top đầu ngành game, doanh thu ‘khủng’ nhưng đóng thuế 0 đồng

Năm 2023, Công ty cổ phần trực tuyến GOSU ghi nhận doanh thu lên tới 97,8 tỷ đồng, mặc dù doanh thu “khủng” nhưng số tiền đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là số 0 tròn trĩnh.

Thành lập vào năm 2012, Công ty cổ phần trực tuyến GOSU (GOSU) đang là một trong những nhà phân phối và phát triển game hàng đầu tại Việt Nam với 3 văn phòng đại diện cùng 3 game studio trên toàn quốc.

Trong suốt 12 năm qua, GOSU liên tục mở rộng quy mô. Doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc phát hành các game ở cả trong và ngoài nước, mà GOSU còn tự chủ về công nghệ sản xuất, hợp tác quốc tế, tạo ra các sản phẩm mang giá trị toàn cầu.

Một số game GOSU đang vận hành tại thị trường Việt Nam gồm: Cửu âm chân kinh, Ngạo kiếm vô song, Cửu dương truyền kỳ, Đỉnh phong tam quốc... Hiện các sản phẩm của công ty ngoài phục vụ người chơi tại Việt Nam mà còn xuất khẩu đến 50 quốc gia, phục vụ hơn 45 triệu khách hàng.

Mặc dù có tiếng trên thị trường phát hành game online, tuy nhiên những năm gần đây tình hình kinh doanh của GOSU không mấy khả quan.

Thành lập năm 2012, GOSU đang là một trong những nhà phân phối và phát triển game hàng đầu tại Việt Nam
Thành lập năm 2012, GOSU đang là một trong những nhà phân phối và phát triển game hàng đầu tại Việt Nam

Dữ liệu tài chính thể hiện, giai đoạn 2022 – 2023, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2022 GOSU ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 145,8 tỷ đồng, tuy nhiên công ty báo lỗ gần 829 triệu đồng.

Bước sang năm 2023, doanh thu thuần của công ty tiếp tục đà giảm xuống còn 97,8 tỷ đồng, giảm hơn 48 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 33% so với năm trước đó. Kết quả, công ty tiếp tục báo lỗ tới hơn 17,7 tỷ đồng, gấp 21,3 lần số lỗ trong năm 2022.

Mặc dù có nguồn thu “khủng” nhưng GOSU gây bất ngờ khi con số thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước vô cùng “hẻo” thậm chí là có năm bằng “0 đồng”. Đơn cử, năm 2023 GOSU đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 0 dù doanh thu lên tới hơn 97,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, số thuế mà doanh nghiệp này phải đóng trong năm 2022 chỉ hơn 166 triệu đồng dù doanh thu lên tới hơn 145,8 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2023, tổng cộng tài sản của GOSU là hơn 200,7 tỷ đồng, Trong đó, tài sản ngắn hạn là 38,7 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 162 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty ghi nhận hơn 26,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 26,7 tỷ đồng hồi đầu năm. Công ty đang có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 438,4 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 31/12/2023 là hơn 173,8 tỷ đồng.

Theo dữ liệu về doanh nghiệp, Công ty cổ phần trực tuyến Gosu có địa chỉ tại số 108 phố Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ đăng ký là 200 tỷ đồng.Danh sách cổ đông sáng lập gồm: Lê Thị Nguyệt Minh (đã chuyển nhượng), Giáp Thị Giang, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hoàng Lê Thuỳ Phương. Thời điểm hiện tại, CEO của Gosu Corp là ông Lê Thanh Minh, người đại diện pháp luật là ông Trần Trọng Kiên.

Thực trạng thu “khủng” nhưng nộp thuế “hẻo” của các công ty dịch vụ công nghệ làm nhiều người không khỏi nghĩ đến câu chuyện của hãng gọi xe công nghệ Grab.

Khi đó, nhiều người đặt vấn đề về việc Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 9 năm, doanh thu cũng đã hơn 6.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp lại chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam, trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Thực tế này đặt ra vấn đề về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Minh Đức

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục