Mặc dù Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có hiệu lực được gần 4 tháng và được xem là văn bản “cởi trói” để người vay tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy tỷ lệ giải ngân gói 30.000 tỷ cũng vẫn chậm và gần như không có gì cải thiện.
Cụ thể trong thông tư 32, NHNN đã bổ sung quy định người vay có thể vay tối đa 700 triệu đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 5% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động được vay vốn để mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp và xây, sửa chữa nhà ở.
Tuy nhiên dường như việc tiếp cận được gói vay này lại không hề đơn giản. Theo nhân viên ngân hàng, đã có nhiều khách hàng tới ngân hàng để được tư vấn vay vốn gói 30.000 tỷ đồng này. Tuy nhiên theo quy định, muốn vay vốn khách hàng cần phải có xác nhận ở một đơn vị hành chính cấp phường xã về việc người đó không có nhà hoặc có nhà ở nhưng diện tích nhỏ hẹp. Nếu khách hàng không đi làm ở cơ quan nào cả thì họ phải xin xác nhận ở các cơ quan hành chính Nhà nước.
Do vậy nhiều khách hàng đã “một đi không trở lại” bởi không thể xin được xác nhận này.
Thậm chí chính nhân viên ngân hàng cũng có nhu cầu vay vốn từ gói 30.000 tỷ, vì lãi suất hấp dẫn, nhưng không thể vay được bởi không thể xin được xác nhận này. Khi đi xác nhận nội dung này thường mất rất nhiều thời gian, phải đi lại nhiều lần và phải có những quan hệ "nọ kia" thì mới có thể làm được.
“Khách hàng của chúng tôi cũng kêu rằng khó khăn nhất vẫn là xin mẫu xác nhận tại phường, xã . Ngân hàng không thể can thiệp vào chuyện này được mà phải tự khách hàng làm lấy” – ông Nguyễn Tất Định - Phòng Khách hàng thể nhân (Vietcombank) cho biết.
Gói 30.000 tỷ: Dân vẫn khó tiếp cận.
Một vướng mắc lớn nữa đó là việc chứng minh thu nhập, cụ thể Theo tư vấn của nhân viên tín dụng ngân hàng, nếu khách hàng muốn vay khoảng 300 triệu, họ sẽ cần phải chứng minh thu nhập 15 triệu đồng/tháng; muốn vay 500 triệu đồng, cần có thu nhập 16-17 triệu đồng; vay 800 triệu đồng cần có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên... Đây thực sự là rào cản đối với công nhân viên chức, những người có thu nhập trung bình và thấp – nhóm đối tượng chính mà gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ hướng tới.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng ngân hàng cho vay nên bỏ thủ tục chứng minh thu nhập đối với khách hàng cho vay bởi hiện nay đã có Thông tư liên tịch số 01 của Ngân hàng Nhà nước - Bộ Xây dựng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên môi trường về việc cho phép thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai.
Không chỉ vướng trong khâu thủ tục, tỷ lệ giải ngân gói 30.000 tỷ chậm một phần cũng do nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai cho vay xây, sửa nhà từ gói tín dụng này. Vài ngân hàng tuy đã triển khai, nhưng lại nhiệt tình tư vấn cho khách chuyển sang gói vay thương mại.
Có một thực tế, các ngân hàng dường như không mặn mà triển khai gói vay 30 nghìn tỷ, bởi họ chỉ được hưởng mức “phí” chênh lệch khi cho vay chỉ khoảng 1,5%, mức này khó bù đắp được rủi ro, chi phí khi thực hiện cho vay. Còn các nhân viên tín dụng càng không mặn mà, bởi họ bị “khoán” định mức phải cho vay thương mại hàng tháng cao, nên họ thường “lờ” gói vay ưu đãi để hướng khách hàng sang gói vay thương mại.
Đánh giá về vấn đề này GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích, đôn đốc các ngân hàng triển khai gói vay 30.000 tỷ, có như vậy việc giải ngân gói vay ưu đãi này mới có thể “chạy” nhanh hơn.
Ngọc anh (TH theo VOV; GTVT; Vietstock)