Giật mình với những con số lợi nhuận doanh nghiệp “trồi sụt” sau kiểm toán

Việc lợi nhuận các công ty tăng, giảm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng sau khi được kiểm toán vốn không còn xa lạ. Mùa soát xét bán niên 2023 chưa kết thúc nhưng đã có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi chênh lệch mạnh so với báo cáo tài chính tự lập.

Theo báo Thanh niên, Công ty CP Tập đoàn F.I.T (FIT) vừa công bố báo cáo soát xét bán niên năm 2023 do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C thực hiện với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ bốc hơi xuống còn 7 tỷ đồng, giảm 97% so với số lãi 225,5 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. 

Một đơn vị khác là Công ty CP Tập đoàn Điện Quang (DQC) cũng giảm mạnh lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tài chính có kiểm toán soát xét. Lợi nhuận hợp nhất của DQC từ 3,9 tỷ đồng trong báo cáo tự lập giảm xuống còn gần 1,73 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết, nguyên nhân dẫn đến chênh lệch này do các công ty con điều chỉnh số liệu sau kiểm toán, dẫn đến kết quả kinh doanh hợp nhất bị thay đổi.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét của Công ty CP Kho vận Miền Nam (STG) cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế giảm 26,3 tỷ đồng, xuống còn 99 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập có lãi hơn 125,3 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận sau soát xét giảm 21% do điều chỉnh khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản tại thời điểm công ty mua lại cổ phần của Công ty Vận tải Đa phương thức Vietranstimex. Việc điều chỉnh này làm tăng chi phí thanh lý tài sản khoảng 29 tỷ đồng của nhóm công ty, tương ứng với mức giảm lợi nhuận.

Lợi nhuận Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Novaland chênh lệch sau kiểm toán.
Lợi nhuận Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Novaland chênh lệch sau kiểm toán.

Nặng hơn là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với báo cáo soát xét bán niên 2023 được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho ra kết quả lỗ sau thuế 73 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập trước đó vẫn lãi 101 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do trên báo cáo soát xét doanh thu hoạt động tài chính điều chỉnh giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao và khoản mục lợi nhuận khác giảm mạnh... Chẳng hạn, việc gia tăng của chi phí quản lý doanh nghiệp là đến từ khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 421 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập chỉ 325 tỷ đồng. Hoặc HBC trước đó ghi nhận lợi nhuận khác là 660 tỷ đồng từ việc bán tài sản cố định, vật tư nhưng báo cáo soát xét chỉ ghi nhận đạt hơn 8 tỷ đồng...

Đồng cảnh ngộ với Tập đoàn Hòa Bình, Novaland (NVL) là cái tên “tốn nhiều giấy mực” nhất thời gian gần đây với nhiều luồng thông tin trái chiều liên quan đến vấn đề pháp lý dự án, tình hình thanh toán trái phiếu và khoản lỗ khủng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023, Novaland lỗ ròng đến 1.094 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Con số này trên báo cáo tự lập là 611 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 483 tỷ sau soát xét.

Nguyên nhân được giải trình do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, Novaland cũng giải thích thêm “đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483 tỷ đồng nêu trên”.

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã chứng khoán: CEO) công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023 với lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm so với số liệu trên báo cáo tài chính quý II/2023 tự lập trước đó.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế sau soát xét đạt 61 tỷ đồng, giảm 15,5% so với con số hơn 72 tỷ đồng trước kiểm toán. CEO Group cho biết sau kiểm toán doanh thu và thu nhập không đổi, trong khi chi phí, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 11 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, doanh thu 6 tháng đầu năm của CEO Group đạt 688 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái (không thay đổi so với số liệu công ty tự lập). Sau khi điều chỉnh tăng giá vốn, lợi nhuận gộp đạt gần 213 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của CEO Group chuyển từ tăng trưởng dương sang giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số doanh nghiệp có thêm lợi nhuận sau kiểm toán, đáng chú ý nhất là Kinh Bắc City (KBC). Tạp chí Nhịp sống thị trường dẫn số liệu từ báo cáo tài chính bán niên 2023 soát xét của công ty này cho thấy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng thêm đến 265 tỷ đồng (tương ứng 14,7%) so với báo cáo tự lập, lên 2.068 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận tăng thêm hậu kiêm toán chủ yếu do điều chỉnh tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp trong khi chi phí quản lý lại giảm so với báo cáo tự lập.

Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 với khoản lợi nhuận ròng tăng 115% lên 31,6 tỷ đồng.

Hay như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, ghi nhận khoản chênh lệch lớn nhất là lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 tăng từ 139 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 177 tỷ đồng ở báo cáo soát xét, tương ứng mức tăng 27%.

Công ty CP Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty sau soát xét ghi nhận đạt 564,6 tỷ đồng, tăng 12,7%. Nguyên nhân được phía KIDO lý giải là do tại thời điểm lập báo cáo tài chính chưa soát xét công ty chưa có đủ cơ sở để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn lại.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục