Giáo sư người Nhật "ẵm" giải Nobel Y học 2016

(Kinhdoanhnet) - Giải Nobel Y học năm 2016 đã được trao cho nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi vì những khám phá quan trọng giúp giới khoa học hiểu rõ hơn quá trình tự thực của tế bào.

Ngày 3/10, Ủy ban Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã công bố quyết định trao giải Nobel Y học năm 2016 cho nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi vì những khám phá về cơ chế tự thực của tế bào.

Giáo sư người Nhật "ẵm" giải Nobel Y học 2016 - Ảnh 1
Nhà khoa học Yoshinori Ohsumi. Ảnh: Reuters

"Tự thực" là thuật ngữ chỉ quá trình tái chế tế bào. Các nhà khoa học hồi thập niên 1960 lần đầu tiên nhận thấy tế bào có thể bỏ những thành phần bên trong của chúng bằng cách bọc chúng bên trong lớp màng và đưa đến "trung tâm tái chế" của tế bào.

Ông Ohsumi đã xác định được 15 loại gien đóng vai trò quan trọng đối với cơ chế tự thực khi nghiên cứu men nở làm bánh. Sau đó, ông chứng tỏ được cơ chế tự thực cũng xảy ra ở tế bào người.

Những khám phá của ông Ohsumi giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cách tế bào tái chế, cũng như mở đường cho nhận thức về tầm quan trọng của cơ chế tự thực trong nhiều tiến trình sinh lý học, như phản ứng đối với sự nhiễm trùng...

"Khám phá của ông Ohsumi đã đưa đến một mô hình mới trong kiến thức của chúng ta về cách tế bào tái tạo", Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở Thụy Điển tuyên bố trong thông báo trao giải thưởng.

Tuyên bố viết: "Những khám phá của ông đã mở đường cho thêm nhiều kiến thức về quá trình sinh lý, chẳng hạn như việc thích ứng với cơn đói hay phản ứng với sự nhiễm trùng".

Giáo sư người Nhật "ẵm" giải Nobel Y học 2016 - Ảnh 2
Giải Nobel Y học mở đầu mùa Nobel năm 2016. Ảnh: Nobelprize.org

GS Yoshinori Ohsumi sinh năm 1945 tại thành phố Fukuoka. Ông là nhà khoa học người Nhật thứ 6 được trao giải Nobel Y sinh. GS Ohsumi theo học ngành sinh học phân tử tại Đại học Tokyo vào năm 1963. Sau một thời gian dài chuyên nghiên cứu về quá trình tự nhân đôi của ADN, ông bắt đầu quan tâm đến quá trình tự thực của tế bào khi trở thành giáo sư và mở một phòng thí nghiệm tại phân khoa khoa học của đại học này vào năm 1988. Từ năm 2009, ông làm việc tại Viện Kỹ thuật Tokyo.

Năm nay cũng là năm thứ hai liên tiếp một nhà khoa học Nhật đoạt giải thưởng Nobel Y học và là lần thứ 3 kể từ năm 2012. Kể từ năm 2000, các nhà khoa học Nhật liên tục nhận được các giải Nobel trong lĩnh vực khoa học.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục