Ngân hàng Vietbank được sáng lập bởi nhóm cổ đông có liên quan đến ngân hàng Á Châu, tập đoàn Hoa Lâm và công ty Diệu Hiền. Trong đó, ông Dương Ngọc Hòa (chồng bà Trần Thị Lâm – chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm) và ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) là 2 trong những người sáng lập.
Khi ông Hòa thoái vị đầu năm 2021, chức Chủ tịch HĐQT Vietbank được một thành viên HĐQT Vietbank đảm nhiệm. Tuy nhiên chỉ hai tháng sau, “ghế” chủ tịch này lại được con trai ông Dương Ngọc Hòa là Dương Nhất Nguyên thế chỗ. Có thể nói, ông Nguyên giữ chức Chủ tịch Vietbank khi mà tình hình kinh tế trong nước đang khốn khó.
Có lẽ do kinh tế khó khăn mà Vietbank mới bộc lộ “tình hình sức khỏe” có đôi chút bất ổn hơn một số ngân hàng khác. Tính đến 30/9/2023, Vietbank cho vay khách hàng đạt 70.490 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng của Vietbank ở mức 4,1% và tỷ lệ này góp phần đưa Vietbank vào vị trí thứ 3 trong số các ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ tín dụng cao nhất.
Tại ngày 30/9/2023, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn chiếm 2,69% so với tổng dư nợ tín dụng và chiếm 66% so với tổng nợ xấu.
Về lợi nhuận hoạt động của Vietbank, cuối năm 2021 lợi nhuận sau thuế của đơn vị này có phần khởi sắc khi tăng tốc thần kỳ với lợi nhuận sau thuế là 506 tỷ đồng. Qua năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vietbank tăng nhẹ nhờ giảm trích lập dự phòng. Khoản lợi nhuận này sụt giảm thê thảm vào cuối quý 3/2023.
Mới đây, ông Dương Nhất Nguyên vừa đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu Vietbank để nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 3,36% lên 4,83% cổ phần Vietbank. Những người trong gia đình ông Nguyên nắm giữ cổ phần ở Vietbank lần lượt là: Bà Trần Thị Lâm (mẹ ông Nguyên) nắm giữ 0,024% vốn điều lệ Vietbank; ông Dương Ngọc Hòa (cha ông Nguyên) nắm giữ 4,552%; Dương Bảo Anh (em ruột ông Nguyên) nắm giữ 1,701%; Dương Mai Anh (em ruột ông Nguyên) nắm giữ 2,108%. Đáng chú ý, bà Trần Thị Lâm còn giữ chức Phó tổng giám đốc Vietbank từ ngày 19/5/2023.