Khoảng 6 giờ 35 ngày 30/7 (giờ Việt Nam), trên Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 2.382,33 USD/ounce, giảm 14,03 USD/ounce (-0,59%). Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.427,6 USD/ounce, giảm 1,7 USD.
Giá vàng thế giới điều chỉnh giảm trước áp lực phục hồi của đồng USD lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần, khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một loạt các sự kiện trên thị trường, bao gồm các quyết định chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Anh, báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ được công bố vào ngày 3/8 tới đây.
Bên cạnh đó, các dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy lượng tiêu thụ vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này đã giảm cũng tác động đến hướng đi của giá vàng.
Báo cáo mới nhất cho thấy, mức tiêu thụ vàng tại Trung Quốc đã giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu về đồ trang sức bằng vàng giảm 26,7% trong bối cảnh giá cao. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng thỏi và tiền xu lại tăng vọt.
Mặc dù vàng chịu áp lực bởi đồng bạc xanh, nhưng các chuyên gia cho rằng, đà giảm của kim loại quý này đã được “hãm” nhờ lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Trung Đông sau cuộc tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này để tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Tại thị trường trong nước, vào đầu giờ sáng 30/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 77,50 - 79,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn điều chỉnh tăng ở cả 2 chiều, theo đó giá mua vào giao dịch sát mốc 76 triệu đồng/lượng, bán ra không quá 77,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán phổ biến dưới mốc 1,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 75,60 – 77,05 triệu đồng/lượng; hệ thống Doji niêm yết 75,85 – 77,10 triệu đồng/lượng; Phú Quý niêm yết 75,80 – 77,10 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu niêm yết 75,88 – 77,08 triệu đồng/lượng.