Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tăng, với vàng giao ngay tăng 27,2 USD lên 2.660,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.682,2 USD/ounce, tăng 22,6 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ 2, chạm mốc cao nhất trong hơn 2 tuần sau thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục mua vàng sau 6 tháng tạm dừng. Bên cạnh đó, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới ngày càng tăng cao cũng thúc đẩy lực mua vào kim loại quý này.
Chiến lược gia hàng hóa Bart Melek của TD Securities cho rằng, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy lực cầu vào vàng trong phiên giao dịch đầu tuần là tin tức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo đã tiếp tục mua vàng. Thị trường đang hy vọng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ bổ sung vàng vào kho dự trữ. Việc Trung Quốc tiếp tục mua vàng có thể hỗ trợ nhu cầu của nhà đầu tư trong nước. Năm 2023, Trung Quốc là quốc gia mua vàng chính thức lớn nhất thế giới, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tạm dừng chuỗi mua kéo dài 18 tháng kể từ tháng 5.
Việc các ngân hàng trung ương mạnh tay mua vào, nới lỏng chính sách tiền tệ và căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá vàng lên nhiều mức cao kỷ lục trong năm nay, đưa kim loại này tiến tới năm hoạt động tốt nhất kể từ năm 2010 với mức tăng hơn 28% cho đến nay.
Cùng với đó, kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đang hỗ trợ vàng. Fed đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất của mình bằng một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản bất thường vào tháng 9, sau đó là đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11. Các nhà giao dịch đang định giá 87% khả năng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp diễn ra ngày 17 và 18/12.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho rằng, nếu Fed tạm dừng và các thông điệp cơ bản trở nên thận trọng thì điều đó sẽ gây ra một số áp lực tạm thời lên giá vàng.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất để tìm thêm manh mối về đường hướng chính sách của Mỹ. Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang định giá 87% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tuần tới, tăng so với mức 61,6% của tuần trước đó.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được duy trì ổn định. Ngược lại, giá vàng nhẫn tăng, với mức tăng cao nhất 600.000 đồng chiều mua. Hiện tại, giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng miếng được các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 85,2 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 82,7 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết ở mức 82,7 triệu đồng/lượng mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán so với rạng sáng qua.
DOJI tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM điều chỉnh tăng giá mua và bán thêm 500.000 đồng lên lần lượt 83,5 triệu đồng/lượng và 84,5 triệu đồng/lượng.
Tại thương hiệu PNJ, giá mua và giá bán vàng nhẫn niêm yết ở mốc 83,35 triệu đồng/lượng và 84,45 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng giá mua và 450.000 đồng giá bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 83,38 triệu đồng/lượng mua vào và 84,48 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng giá bán. Trong khi đó, Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 83,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 84,5 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 600.000 đồng và 500.000 đồng.
Với giá vàng miếng trong nước ổn định và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.660,5 USD/ounce (tương đương khoảng 81,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.