|
|
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước rạng sáng 27/4 có mức điều chỉnh tăng – giảm nhẹ quanh ngưỡng 70 triệu đồng/ lượng bán ra.
Rạng sáng, DOJI ở khu vực Hà Nội đã điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều xuống lần lượt 69,45 triệu đồng/ lượng và 70,15 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng SJC ở cả 3 khu vực đã giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều so với ngày trước đó. Với mức điều chỉnh này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 69,45 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,17 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Ở chiều ngược lại có giá vàng Maritime Bank và Phú Quý SJC. Rạng sáng, Maritime Bank điều chỉnh tăng 140.000 đồng ở chiều mua và 10.000 đồng ở chiều bán so với ngày trước đó và giao dịch ở mức 69 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,4 triệu đồng/ lượng bán ra. Giá vàng Phú Quý SJC đã tăng 50.000 đồng ở chiều bán lên 70,2 triệu đồng/ lượng nhưng giữ nguyên mức giá mua vào của ngày trước đó là 69,5 triệu đồng/ lượng.
Với giá vàng trong nước đang giao dịch quanh 70 triệu đồng/ lượng và giá vàng thế giới niêm yết ở Kitco mức 1.905,3 USD/ ounce, (tương đương 53,1 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí)), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện đang khoảng 17 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng thế giới
Sau khi mất gần 2% trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới rạng sáng 27/4 đã đảo chiều tăng và vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900 USD/ ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 6,5 USD lên mức 1.902,5 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.905,6 USD/ ounce, tăng 5,9 USD so với ngày trước đó.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều trong đêm với chỉ số chứng khoán Mỹ rơi mạnh. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ giúp kim loại quý lấy lại được đà tăng.
Trong tuần này, tâm lý lo ngại giữa các nhà đầu tư gia tăng khi Trung Quốc tiếp tục chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn đà sự lây lan của Covid-19. Quyết định “Không Covid-19” của chính quyền Trung Quốc đã khiến nhiều người nghĩ rằng nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này sẽ chịu thiệt hại đáng kể trong năm nay. Nó tiếp tục tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng tại châu Á và toàn cầu vốn đã chịu nhiều xáo trộn do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và có khả năng khiến lạm phát vốn đã "nóng" lại càng "nóng".
Ngoài những lo lắng liên quan đến thiệt hại kinh tế từ chính sách “Không Covid-19” của Trung Quốc, những diễn biến từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã làm gia tăng mối lo ngại về rủi ro trên thị trường trong vài tuần qua.
Các thị trường quan trọng cho thấy, giá dầu thô kỳ hạn trên sàn Nymex cao hơn và giao dịch quanh mức 101,5 USD/ thùng. Giá dầu cao hơn vào ngày này cũng là yếu tố có lợi cho thị trường kim loại quý. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm và đang ở mức 2,75%.
Giá vàng thế giới rạng sáng 27/4 niêm yết ở Kitco là 1.905,3 USD/ ounce, tương đương khoảng 53,1 triệu đồng/ lượng.
Pháp Luật và Xã hội
In bài viết