Giá USD sẽ tiếp tục “bay cao” ?

Kinh tế Mỹ đón nhận tín hiệu phục hồi đáng kể, GDP quý I/2014 tăng 4,2% và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến là những lực đỡ giúp cho đồng USD liên tục tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Lực đẩy USD lên giá

Trong phiên giao dịch ngày 11/9 vừa qua, tại Tokyo, tỷ giá Yên/USD đã có lúc vọt lên 107 Yên/USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Đồng Yên yếu thế bởi các số liệu bi quan về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đang làm gia tăng đồn đoán rằng trong cuộc họp vào tháng 10/2014, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Trong khi đó, USD lại được hỗ trợ vì kinh tế Mỹ đón nhận tín hiệu phục hồi đáng kể, GDP quý I/2014 tăng 4,2% và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

USD vì sao tăng giá?
USD vì sao tăng giá?

Sự khác biệt giữa chính sách của FED với các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng là nhân tố nâng đỡ “đồng bạc xanh”. ECB vào ngày 4/9/2014 đã bất ngờ cắt giảm một số lãi suất chủ chốt và thông báo sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng của khu vực. Hiện USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm so với đồng euro. Ngày 11/9/2014, tỷ giá USD/Euro ở mức 1,2923 USD/ Euro. Như vậy, từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã giảm giá 6% so với đồng USD.

Có thể nhận định, cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế châu Âu và nguy cơ của việc gia tăng các lệnh trừng phạt Nga là những nguyên nhân kép làm đồng Euro liên tục giảm giá trong thời gian gần đây. Giới đầu tư vì những nguyên nhân trên đang bán tháo Euro để mua USD.

Thị trường tiền tệ thế giới thời gian qua còn ghi nhận sự giảm giá của đồng Rúp so với USD. Trong phiên giao dịch ngày 11/9/2014, đồng Rúp giảm 0,9%, xuống còn 37,6205 Rúp/USD.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã giảm tổng cộng 13% so với đồng USD. Chỉ tính riêng trong hơn hai tháng qua, đi kèm với những động thái trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga, đồng Rúp đã giảm hơn 8%. Trong tháng 8/2014, đồng Rúp mất giá khoảng 3,8% so với USD.

Nguyên nhân chính khiến đồng Rúp của Nga mất giá là do lệnh cấm vận mới của phương Tây. Đến nay, nền kinh tế Nga đã giảm tốc mạnh và ngấp nghé bờ vực suy thoái do tác động của lệnh trừng phạt. Tăng trưởng GDP sơ bộ cho thấy Nga có thể chỉ tăng trưởng 0,8% quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2014

Đà tăng đến bao lâu?

“Quan điểm chính của chúng tôi là đồng USD sẽ tiếp tục cao hơn”, Ray Attrill, Ban chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng quốc gia Australia cho biết. Trên thực tế, ngay từ giữa năm 2013, FED đã tác động đến kỳ vọng lãi suất của thị trường khi công bố kế hoạch giảm dần chương trình nới lỏng định lượng QE3. Tuy nhiên, đến nay việc tăng lãi suất vẫn không chắc chắn.

Cuộc họp chính sách tháng trước của FED cho thấy, một số thành viên của Ủy ban chính sách muốn tăng lãi suất kịp thời trong bối cảnh nền kinh tế đang cải thiện. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên cảm thấy cần nhiều dữ liệu hơn để xem xét trước khi hành động.

Các nhà đầu tư tăng kỳ vọng lãi suất sẽ được nâng lên trong quý II/2015 chứ không phải nửa cuối năm 2015, điều này sẽ thúc đẩy “đồng bạc xanh” tiếp tục lên giá.

Theo Tạp chí Tài Chính

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục