Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 2,26% lên 24.850 đồng/cp, tiếp tục lập đỉnh mới.
Đáng chú ý, cổ phiếu này đã có giai đoạn tăng rất bền bỉ từ tháng 11/2022 - hiện tại, với mức tăng 130% và chưa có một nhịp điều chỉnh nào giảm quá 15%. Kể cả trong giai đoạn VN-Index giảm 230 điểm (-18,5%) hồi tháng 9-10/2023, HDB cũng chỉ chỉnh nhẹ 6%. Hiệu suất trên vượt trội gấp gần 3 lần sự phục hồi của VN-Index (+45%) trong cùng giai đoạn.
|
Nếu tính từ đáy Covid-19 tháng 4/2020, cổ phiếu HDB cũng có sự tăng trưởng gấp hơn 3 lần VN-Index |
Trong nhóm ngân hàng, ngoài HDB nằm trong số 6/28 cổ phiếu vượt đỉnh cũ năm 2021 (thời điểm VN-Index 1.500 điểm), còn có các cái tên khác như LPB, NAB, ACB, BID, VCB.
''Quán quân" tăng trưởng NIM
Kết thúc quý I/2024, HDB ghi nhận mức thu nhập lãi thuần 7.160,4 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ (YoY). Các khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và hoạt động khác mang về tổng 591,8 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản thuế, HDB ghi nhận lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 3.109,8 tỷ đồng (+49% YoY), xếp thứ 3 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024 của nhóm ngân hàng.
|
Nguồn: Chứng khoán MBS |
Đáng lưu ý, ở hiệu quả hoạt động, NIM quý I/2024 của HDB tăng khoảng 0,5%, cao nhất toàn ngành, tiếp đến là LPB, TCB, EIB. Ngược lại, NIM nhóm ngân hàng MBB, VIB, BID có sự sụt giảm.
Trong báo cáo phân tích tháng 4 của VPBankS Research, công ty chứng khoán này cũng đưa ra dự báo rằng NIM của HDB năm 2024 đạt khoảng 5%, xếp thứ 2 toàn ngành.
Nợ xấu ở mức ổn định, hưởng lợi từ Thông tư 02
Tại thời điểm ngày 31/3, nợ nhóm 3,4,5 của HDB (báo cáo hợp nhất) là 8.152,5 tỷ đồng, chiếm 2,24% lượng cho vay khách hàng là 363.449,4 tỷ đồng, nằm trong ngưỡng an toàn.
Trước đó, tại thời điểm ngày 31/12/2023, nợ xấu hợp nhất của HDB là 6.160 tỷ đồng, chiếm 1,79% cho vay khách hàng. Nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02), trong số dư nợ nhóm 1,2 của ngân hàng có 1.806,4 tỷ đồng số dư nợ vay khách hàng thuộc đối tượng được áp dụng của Thông tư; trong đó, có 1.676,2 tỷ đồng số dư nợ thuộc các khoản giải ngân đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, với việc Thông tư 02 đang được Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn đến hết năm 2024 thay vì 30/6 tới đây, HDBank sẽ tiếp tục được hưởng lợi do giảm được nợ xấu, từ đó giảm trích lập dự phòng, gia tăng lợi nhuận của ngân hàng.