Gạo Việt xuất khẩu giá cao nhất thế giới, doanh nghiệp có lãi đậm?

Gạo Việt Nam xuất khẩu đang có giá cao hàng đầu thế giới. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo vẫn báo lỗ trong hoạt động kinh doanh của quý 3/2022.

Gạo Việt Nam xuất khẩu giá cao nhất thế giới 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo Việt Nam xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về giá.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về giá.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới, đang bỏ xa Thái Lan (nước có giá gạo bình quân cao thứ 2) là 23 USD/tấn…

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, luỹ kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ riêng  tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 700,000 tấn, trị giá đạt 334 triệu USD.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao. VFA cho biết phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…

Người lãi, kẻ lỗ

Trong bối cảnh bức tranh xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành gạo báo cáo doanh thu tăng mạnh, tăng trưởng tính bằng lần. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước. 

Theo thống kê của VietstockFinance, 9 doanh nghiệp kinh doanh gạo niêm yết trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp này trong quý 3 lần lượt đạt 14.348 tỷ đồng (tăng 16%) và gần 114 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Dẫn đầu tăng trưởng là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu hợp nhất ghi nhận 364,5 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt hơn 9 tỷ, gấp 120 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của AFX tăng tới 90,6% lên 989,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 27 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ đang trên đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lợi nhuận gộp về bán hàng tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời Công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả kinh doanh. 

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh khả quan trong quý 3 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) khi thu về gần 64 tỷ đồng lãi ròng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng gần 46 tỷ đồng trong quý 2/2022. 

Sau 9 tháng, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 8.629 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lương thực chiếm đa số với 57%, tương đương 5.025 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn ghi nhận mức sụt giảm 23% so với 9 tháng đầu năm ngoái, đạt 203 tỷ đồng.

Năm 2022, Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Sau 9 tháng, tập đoàn này thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Trong nhóm tăng trưởng còn có Công ty Cổ phần Tập đoàn Pan (HOSE: PAN). Trong quý 3/2022, PAN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 3.585 tỷ đồng, tăng 40% và báo lãi ròng gần 55,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Hiện mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 52% vào tổng lợi nhuận sau thuế tạm tính. 

Trái ngược với mảng sáng trong bức tranh kinh doanh quý 3 của ngành gạo, một số doanh nghiệp lại đón kết quả khá ảm đạm.

Doanh thu không đủ bù chi phí khiến Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) báo lãi sau thuế quý 3 chỉ đạt 2 tỷ đồng, tụt dốc tới tận 94%, lãi ròng còn vỏn vẹn 830 triệu đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 quý trở lại đây của Công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, giảm 9%. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu với doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng. Kết thúc ba quý, Trung An mới thực hiện được hơn 63% mục tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC) cũng “ngậm ngùi” với kết quả lãi ròng sụt giảm 18% so với cùng kỳ, còn hơn 28 tỷ đồng. Trong bối cảnh chi phí tăng mạnh nhưng doanh thu đi lùi, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) báo lỗ quý 3 gần 29,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 4 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, AGM ghi lỗ ròng 35,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng) - khoảng cách rất xa so với mục tiêu lợi nhuận Công ty đã đề ra (25 tỷ đồng). 

Trong quý 3 năm 2022, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.654 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động tài chính của Vinafood II tăng hơn 92%, đạt mức 48,3 tỷ đồng. Kết quả, Vinafood II báo lãi 265 triệu đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 97 tỷ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Vinafood II thu về hơn 5,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa so số lỗ gần 248 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, so với kế hoạch cả năm, Vinafood II cũng chỉ mới hoàn thành chưa đến 5%. 

Theo giới chuyên môn dự đoán, thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 vẫn có nhiều diễn biến có lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam. Hiện nguồn cung gạo đang trong tình trạng thiếu hụt do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á.

Ngoài ra, kể từ tháng 10/2022, thị trường gạo thế giới đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). 

Động thái này của Ấn Độ đã khiến cuộc đua xuất khẩu gạo ban đầu có 3 đối thủ nặng ký nhất, thì nay chỉ còn 2 quốc gia lớn “tranh giành ngôi nhất, nhì” là Việt Nam và Thái Lan.

Chứng khoán VNDirect (VNDirect) nhận định, Việt Nam đang có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của mặt hàng gạo. Cụ thể, VNDirect chỉ ra những lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới như giá gạo Việt Nam đang cạnh tranh hơn so với gạo Ấn Độ nhờ thuế xuất thấp hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc dự kiến tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022-2023 do năng suất giảm vì hạn hán. 

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu lương thực sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. USDA thống kê lượng gạo tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 ở mức 34,4%. Những nhân tố trên tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.  

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục