G20 khai mạc trong bối cảnh bất đồng ngày càng sâu sắc

(Kinhdoanhnet) - Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ diễn ra từ hôm nay 7/7 tại thành phố Hamburg của Đức.

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đặt ra nhiều mục đích. Đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kèm theo đó, là bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội.

G20 khai mạc trong bối cảnh bất đồng ngày càng sâu sắc - Ảnh 1
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ diễn ra từ hôm nay 7/7 tại thành phố Hamburg của Đức.

Tuy nhiên, Hội nghị G20 diễn ra giữa lúc các thành viên trong nhóm, gồm 19 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu, đang chia rẽ hơn lúc nào hết cả về kinh tế lẫn chính trị.

Đặc biệt phải kể đến là quan hệ giữa Mỹ và châu Âu xấu đi nhiều từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu và ngưng đàm phán hiệp định thương mại với châu Âu. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng “sẽ khó khỏa lấp được mối bất đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu” khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris với tuyên bố rằng đây là một thắng lợi ngoại giao. 

Ngoài ra, những mối quan hệ giữa châu Âu và Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ...cũng là mối lo ngại đáng kể.

Bên cạnh các phiên họp và thảo luận chính thức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức, các cuộc gặp song phương bên lề, trong đó dự kiến có cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Mỹ, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hiện báo chí quốc tế đang chú ý tới khả năng diễn ra 3 cuộc gặp riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm và bên lề Hội nghị.

Trong đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Mỹ rất được chờ đợi, bởi đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc này, thậm chí còn được giới phân tích đánh giá là cuộc gặp gỡ định hình thế giới. Quan điểm và sự hợp tác giữa Nga và Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà còn tác động tới các vấn đề toàn cầu, trong đó có các cuộc xung đột và điểm nóng trên thế giới như cuộc chiến Syria, khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Bên cạnh đó, thương mại cũng sẽ là chủ đề được dự báo sẽ "gây sóng" tại hội nghị G20 lần này. Trong khi các quốc gia G20 chủ trương hình thành thị trường mở và xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ngoài ra, còn có rất nhiều sự khác biệt khác, như vấn đề người nhập cư, chính sách chống khủng bố, mà vì lợi ích riêng, chẳng có nước nào chịu nhượng bộ lẫn nhau.

Theo thông lệ, tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh G20 phải được tất cả nhất trí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng Hội nghị sẽ chỉ ra được một tuyên bố chung không mấy cụ thể. 

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục