FLC: Câu chuyện các doanh nghiệp thành công 2013

2013 là năm kỷ lục của việc hủy niêm yết, trong đó không ít trường hợp tự nguyện rời sàn khi thấy chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán không còn như trước.

Năm 2013 có thể nói là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp. Hàng tồn kho vẫn ở mức cao, các ngành nghề như bất động sản, vận tải biển, cao su tự nhiên...vẫn chưa thực sự khởi sắc so với năm 2012 trước đó. 2013 cũng là năm kỷ lục của việc hủy niêm yết, trong đó không ít trường hợp tự nguyện rời sàn khi thấy chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán  không còn như trước.

FLC: Câu chuyện các doanh nghiệp thành công 2013 - Ảnh 1

Thế nhưng, trong bức tranh xám màu đó, vẫn có khá nhiều trường hợp nổi lên với tình hình tương đối sáng sủa, hoạt động kinh doanh 2013 khởi sắc.

Đầu tư và đầu tư

Dĩ nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào cũng mang lại thành công, nhưng có thể nói nếu không có đầu tư, các doanh nghiệp đã không phát triển rực rỡ đến vậy.

Nói đến đầu tư, không thể không nhắc đến REE. Từ một doanh nghiệp mang tên Cơ điện lạnh, "thuần" sản xuất, REE liên tục mua bán, đầu tư vào các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Hiện tại REE được biết đến như một doanh nghiệp đầu tư đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Và, may mắn thay, các khoản đầu tư của REE đều tỏ ra hiệu quả và mang lại lợi nhuận đáng kể cho công ty. 4 nhánh chính đầu tư hiện nay của REE là Than, Điện, Nước và Bất động sản. Trong đó, Điện, Nước đều đang trong lộ trình tăng giá!

9 tháng đầu năm 2013, REE lãi ròng 839 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch cả năm. Lũy kế 9 tháng, riêng các công ty liên kết đã mang lại cho REE khoản lợi nhuận 382 tỷ đồng.

Không mở rộng đầu tư kiểu như REE, Hoàng Anh Gia Lai và Vinamilk lại nổi lên với chiến lược tìm kiếm thị trường ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2013, Vinamilk đã liên tục đầu tư nhà máy sản xuất sữa tại New Zealand, mua công ty sữa của Mỹ và bắt đầu mở rộng hoạt động sang Campuchia. Vinamilk không giấu diếm tham vọng lọt top 50 nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới, trước mắt phấn đấu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017.

Hoàng Anh Gia Lai mở rộng mảng bất động sản sang Myanmar, đồng thời buông dần hoạt động này ở trong nước khi nhận thấy thị trường không còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, việc đầu tư trồng cao su ở Campuchia và mía đường tại Lào mang lại lợi thế đáng kể, khi biên lợi nhuận của 2 mảng hoạt động này vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành hoạt động trong nước.

HPG lại là một câu chuyện tương đối khác biệt. Trao đổi với chúng tôi, đại diện HPG cho biết hiện tại công ty vẫn đang "ém" tiền dưới dạng tài khoản, tiền mặt với mục tiêu giảm chi phí tài chính và chưa có dự án cụ thể để đầu tư trong thời gian tới.

Nói thế không có nghĩa là HPG không đầu tư. Khu liên hiệp gang thép tại Hải Dương đã hút tới 8.000 tỷ đồng của HPG và bắt đầu mang lại hiệu quả đáng kể, chủ yếu đến từ lợi thế sản xuất khép kín, giảm thiểu giá thành, có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép nhập lậu từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhờ lợi thế giá thành thấp, Thép Hòa Phát là sản phẩm thép duy nhất từ miền Bắc được tiêu thụ tại thị trường miền Nam. Có thể nói, năm 2013 là năm mà Hòa Phát "hái quả ngọt" từ những khoản đầu tư trước đó.

Với sản phẩm chính là thép, HPG đã có một quyết định táo bạo là xuất khẩu phôi thép. Việc xuất khẩu phôi thép mang lại biên lợi nhuận thấp, nhưng là một giải pháp khôn ngoan trong tình trạng tồn kho thép của cả ngành thép đang ở mức cao như hiện nay.

Trong tình hình kinh doanh bất động sản khó khăn, FLC - một doanh nghiệp bất động sản lại có cách đi khá độc đáo. Thay vì đầu tư xây dựng, FLC tích lũy bằng cách đầu tư mở rộng quỹ đất, chờ thị trường khởi sắc. Nhiều DN có quỹ đất "sạch" mời FLC liên doanh, liên kết thực hiện dự án, nâng tổng quỹ đất có thể triển khai dự án của FLC lên gần 1.000 ha ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội và các vùng phụ cận, phục vụ chiến lược 5 năm của công ty.

Trả lời báo chí gần đây, Tổng giám đốc FLC cho biết dự kiến năm 2013 công ty sẽ lãi khoảng 110 tỷ đồng, gấp 5 lần con số năm 2012.

Lấy ngắn nuôi dài, 9 tháng đầu năm 2013, FLC lãi lớn từ mặt hàng inox, vốn không phải là sản phẩm chiến lược của công ty. Công ty đồng thời hạn chế các khoản phải thu, phải trả và không có dư nợ ngân hàng.

Thay lời kết

Thành công là một câu chuyện rất dài. Các doanh nghiệp nói trên chưa đủ khả năng đại diện cho toàn bộ các doanh nghiệp thành công nhất hiện nay trên thị trường chứng khoán. Chỉ biết rằng, trong câu chuyện thành công, luôn thấp thoáng đâu đó những khoản đầu tư táo bạo trong quá khứ và tương lai của doanh nghiệp.

Theo Trí Thức Trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục