Dự báo nào cho kinh tế thế giới 2017?

(Kinhdoanhnet) - Thế giới sắp bước sang năm 2017 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, trồi sụt hồi đầu năm 2016. Tuy nhiên, vẫn có những nhận định trái chiều về tình hình kinh tế thế giới năm 2017.

Theo các nhà phân tích, triển vọng kinh tế thế giới năm 2017 dự báo sẽ được cải thiện với mức tăng GDP dự kiến đạt trên 3% khi các nền kinh tế lớn đang dần lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn gần đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát leo thang và đồng USD mạnh lên cũng sẽ là hai yếu tố hiện hữu tạo ra thách thức đối với nền kinh tế thế giới, đe dọa làm giảm trao đổi thương mại toàn cầu và gây khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi trong điều tiết thị trường hối đoái.

Dự báo nào cho kinh tế thế giới 2017? - Ảnh 1
Kinh tế thế giới 2017 được nhận định là không đồng đều và kém thu hút. Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Giant Hasdies, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2017 là 3,5%. Chúng ta có thể thấy đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nếu xét về sự phát triển tại các khu vực của nền kinh tế thế giới, tôi nghĩ Mỹ vẫn đi đầu trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Đầu tàu tăng trưởng của thế giới trong năm 2017 được dự báo sẽ là Mỹ với mức tăng GDP khoảng 2,2% khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump thực thi các chính sách bảo hộ kinh tế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, giảm thuế và nới lỏng các quy định kiểm soát các doanh nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng và đồng USD tăng vọt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ là nguy cơ đối với cán cân kinh tế. Quan ngại xoay quanh thị trường tài chính, mà trong một thời gian ngắn khoảng đầu năm nay, dường như đang đổ dồn về Trung Quốc. Điều này có thể làm chệch hướng nền kinh tế toàn cầu.

Hiện có nhiều rủi ro trong thương mại với Trung Quốc, mà theo một số chuyên gia tham gia khảo sát ý kiến của Reuters, tình trạng thương mại toàn cầu sụt giảm trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp với hi vọng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ gần một thập kỷ trước đây có thể trở nên trầm trọng hơn. Các nền kinh tế mới nổi vẫn dễ bị tổn thương.

Dự báo tăng trưởng GDP của EU và Vương quốc Anh năm 2017 sẽ khả quan hơn năm 2016 khi những lo ngại về tác động tiêu cực từ Brexit đã giảm bớt. Đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, dự báo GDP của Trung Quốc vẫn ổn định ở mức trên 6,5%, tăng trưởng của Nga và Ấn Độ sẽ suy giảm nhẹ, trong khi sự phục hồi của kinh tế Brazil phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị nội bộ đang có nhiều biến động tại quốc gia Nam Mỹ này. 

Một điểm sáng là tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) bắt đầu tăng tốc khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục chương trình mua trái phiếu trị giá hàng chục tỷ euro mỗi tháng, nhằm giữ đồng euro thoát khỏi áp lực từ những thị trường khác và giúp hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Đức, Pháp và Hà Lan đang tiếp tục đe dọa và thách thức hiện trạng nền kinh tế. Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ toàn cầu cũng đang yếu dần, và càng ngày không đồng bộ với chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nền kinh tế các nước ASEAN và Việt Nam sẽ đứng trước nhiều thách thức vì đồng USD tăng giá trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đứng trước nguy cơ tan vỡ và các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa thống nhất ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Phương Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục