Theo số liệu mới nhất của BHXH TP. HCM, tính đến hết 31/5/2024, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DreamPlex đang nợ 11 tháng bảo hiểm, tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, DreamPlex được thành lập vào tháng 8/2015 với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Hush Creative góp 90%, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết góp 5% và ông Nguyễn Trung Tín góp 5%. Ông Tín cũng đồng thời giữ chức tổng giám đốc của doanh nghiệp này.
Từ tháng 6/2021, ông Nguyễn Trung Tín giữ chức Chủ tịch HĐQT và nhường lại vị trí tổng giám đốc cho ông Jonash Shahn Levey (quốc tịch Mỹ). Cùng thời điểm, công ty tăng vốn điều lệ lên mức 43,2 tỷ đồng.
Trong số này, ông Nguyễn Trung Tín là người được ủy quyền đại diện cho 52,7% vốn góp; ông Jonash Shahn Levey là người đại diện cho 43,7% vốn góp, còn 3,6% còn lại do ông Stephen Richard Jones đại diện.
Theo giới thiệu trên website, DreamPlex đang có 5 địa điểm ở TP. HCM và một địa điểm ở Hà Nội. Các địa điểm cung cấp dịch vụ như văn phòng riêng, bàn làm việc (linh hoạt và cố định), dịch vụ đăng ký địa chỉ kinh doanh, phòng hội thảo và phòng họp với không gian tổ chức sự kiện quy mô vừa.
Đối tượng khách hàng của DreamPlex tập trung vào startup, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và freelancer.
Thế chấp hàng loạt tài sản
Được biết, tại thời điểm tháng 4/2020, DreamPlex đem bất động sản là 3 điểm kinh doanh của công ty để thế chấp cho khoản vay tại Vietinbank - chi nhánh TP. HCM, bao gồm: DreamPlex 1, DreamPlex 2 và DreamPlex 4.
Cùng thời điểm trên, DreamPlex cũng sử dụng hợp đồng cho thuê mặt bằng ký với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Vietinbank - chi nhánh TP. HCM.
Đến tháng 8/2022, DreamPlex tiếp tục đem hợp đồng ký kết với đối tác để thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, hợp đồng thuê mà DreamPlex đã ký với Công ty Cổ phần Bất động sản Trung Nghĩa và hợp đồng hợp tác kinh doanh mặt bằng văn phòng ký với Công ty TNHH Một thành viên Luxury Lifestyle.
Tới tháng 9/2023, DreamPlex tiếp tục đem hợp đồng thuê đã ký với Công ty cổ phần Bất động sản Trung Nghĩa; hợp đồng sử dụng mặt bằng đã ký với Công ty cổ phần Quốc tế Truyền Thông và hợp đồng hợp tác kinh doanh mặt bằng văn phòng đã ký với Công ty TNHH một thành viên Luxury Lifestyle để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.
Vai trò của Nguyễn Trung Tín tại Trung Thuỷ Group
Ngoài vai trò tại DreamPlex, ông Nguyễn Trung Tín hiện cũng đang điều hành Tập đoàn Trung Thuỷ (Trung Thuỷ Group).
Ông Tính cũng chính là con trai của bà Dương Thanh Thủy - người sáng lập ra Tập đoàn Trung Thủy. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne (Úc), ông Tín về nước và bắt đầu làm việc từ vị trí nhân viên marketing tập sự tại Tập đoàn Trung Thủy, sau đó ông tự khởi nghiệp riêng.
Sau nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường, ông Tín được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy vào tháng 1/2015.
Năm 2019, ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) bị khởi tố vì tội gây thất thoát lãng phí. Điều đáng nói, trong thời gian này, Sagri và Tập đoàn Trung Thuỷ của ông Nguyễn Trung Tín đã có nhiều thương vụ hợp tác đầu tư liên quan đến đất đai tại TP. HCM chưa đúng quy định.
Tại thời điểm này, một trong những thương vụ đáng chú ý mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm đó là việc thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.
Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty.
Ngày 30/12/2016, UBND TP. HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.
Việc hợp tác thành lập pháp nhân mới là Công ty Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng bị xác định là sai phạm. Cụ thể, Công ty Bò sữa TP. HCM đã giao đất cho Công ty Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận giao đất của UBND TP. HCM. Đồng thời, khu đất 650ha này do Công ty Bò sữa thuê đất hàng năm nhưng Trung Thuỷ Sagri đã sử dụng mặt bằng khu đất làm vốn góp là vi phạm quy định.
Cũng theo văn bản của Kiểm toán Nhà nước, Sagri đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Sagri để thực hiện ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929 của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91 của Chính phủ.
Sagri được xác định đã bàn giao 140ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP. HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ của ông Nguyễn Trung Tín cũng đã “thâu tóm” thành công nhiều lô đất vàng tại TP. HCM. Đơn cử như dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Thời gian hợp tác là 20 năm.
Vietnamfinance
In bài viết