Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ACB

Với việc bán ra hơn 120 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,9193% xuống 3,8046%, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn của ACB.

Thông tin trên chuyên trang Kiến thức đầu tư, theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), quỹ ngoại Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu ACB.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 7/8, Dragon Capital đã bán ra 120,98 triệu cổ phiếu ACB. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu ACB đang được quỹ ngoại này nắm giữ giảm xuống còn 147,8 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital cũng giảm từ 6,9193% xuống 3,8046%, đồng nghĩa với việc không còn là cổ đông lớn của ACB.

Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu ACB ở mức 23.750 đồng/cổ phiếu, giảm 2,66%, Dragon Capital đã thu về hơn 2.873 tỷ đồng.

Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ACB.
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ACB.

Ở chiều ngược lại, Dragon Capital liên tục gia tăng sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Theo tạp chí Kinh doanh, tính từ ngày 26/7 đến nay, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đã mua ròng 13,3 triệu cổ phiếu HSG của Hoa Sen, nâng sở hữu từ 6,95% lên 9,11%.

Đáng chú ý, các giao dịch cổ phiếu này được thực hiện trong bối cảnh cổ phiếu HSG đang giao dịch quanh đỉnh 14 tháng sau các nhịp tăng mạnh vào tháng 6 và tháng 7, thị giá được đẩy từ vùng giá 14.500 đồng/cổ phiếu lên 19.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ vùng giá đáy hồi tháng 11/2022 (giá đã điều chỉnh), cổ phiếu này đã hồi phục khoảng 170%.

Trở lại với ACB, về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023, ACB báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 tăng 11%, đạt 9.989 tỷ đồng. ACB nỗ lực bám sát các mục tiêu kinh doanh đề ra khi hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 10.000 tỷ.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ACB đạt 630.893 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm trong đó cho vay khách hàng tăng nhẹ 4,7% lên 434.032 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại ACB trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 4% lên 432.410 tỷ đồng.

Với mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022, gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao. Nợ xấu của ACB cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường, khi tăng mạnh 52% so với đầu năm lên 4.621 tỷ đồng. Tuy nhiên, ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trên thị trường, duy trì ở mức 1,06%.

Đáng chú ý, ACB là nhà băng hiếm hoi nói không với trái phiếu doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 30/6, ngân hàng không nắm giữ bất cứ trái phiếu doanh nghiệp nào trong khi cuối năm trước, con số này là 500 tỷ đồng.

 

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục