Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 chưa kiểm toán với một bức tranh u ám.
Kết quả kinh doanh của HNG quý II (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II)
Quý II HAGL Agrico đạt 440 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2018 doa giảm mạnh doanh thu bán trái cây và không còn doanh thu bán ớt.
Cụ thể doanh thu bán trái cây giảm tới 38% so với quý II/2018 còn gần 404 tỷ đồng do chuyển đổi diện tích trồng chanh dây sang trồng các loại trái cây lâu năm khác đồng thời trong kỳ Công ty cũng chủ động điều tiết mùa vụ không thu hoạch cây thanh long chính vụ là các tháng 6,7,8,9 mà thu hoạch trái vụ từ tháng 12/2019 – 4/2020 để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong quý II/2019 HAGL Agrico cũng không còn doanh thu từ bán ớt trong khi cùng kỳ ớt mang lại 336 tỷ đồng doanh thu do Công ty chuyển đổi diện tích trồng ớt sang các loại trái cây khác. Công ty cũng không còn doanh thu bán bò, bất động sản.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II
Quý II, chi phí lãi vay của HAGL Agrico vẫn tăng 26 tỷ lên 192 tỷ đồng tuy nhiên lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái lại giảm 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ chi phí khác của Công ty tăng đột biến gấp 7 lần so với quý II/2018 lên 319 tỷ đồng do Nhóm công ty đã thực hiện đánh giá các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái.
Kết thúc quý II, HAGL Agrico báo lỗ 639 tỷ đồng do thu không bù chi trong khi quý II/2018 lãi 32 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế tại ngày 30/6 của Công ty là 626 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm HAGL Agrico đạt 779 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 58% còn lợi nhuận sau thuế âm tới 738 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 53 tỷ đồng.
Năm 2019 HAGL Agrico dự kiến doanh thu thuần 4.775 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế 103 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, Công ty mới thực hiện được 16% mục tiêu doanh thu và cách xa mục tiêu có lãi trong năm.
Hết quý II, tổng tài sản của HAGL Agrico đạt 30.909 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang dài hạn lên tới 12.971 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II
Chi phí phát triển vườn cây cao su dở dang tại ngày 30/6 là hơn 5.105, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản chi phí xây dựng dở dang.
Trong năm 2018, Công ty đang duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. Công ty đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, chi phí phát triển vườn cây ăn trái gần 3.782 tỷ đồng, tăng hơn 1.380 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Công ty vẫn còn 3.292 tỷ đồng chi phí phát triển vườn cây cọ dầu. Trước đó vào năm 2018, Công ty đã chuyển đổi một số vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Campuchia để chuyển sang trồng cây ăn trái.
Hết quý II, tổng nợ đi vay của HAGL Agrico lên tới 12.219 tỷ đồng, gấp 1,26 lần so với vốn chủ sở hữu trong đó vay từ trái phiếu gần 2.394 tỷ đồng còn lại là vay ngân hàng, cá nhân và doanh nghiệp.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II
Đáng lưu ý, HAGL Agrico có khoản vay ngắn hạn 1.260 tỷ đồng với CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) và khoảng 2.900 tỷ đồng vay từ Công ty mẹ HAGL.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II
Tổng nợ vay ngân hàng tại ngày 30/6 của HAGL Agrico là 5.583 tỷ đồng trong đó chủ nợ lớn nhất là ngân hàng BIDV với gần 1.891 tỷ đồng. Vốn lưu động của Công ty hết quý II âm 10.762 tỷ đồng.
Hoàng Kiều