Doanh nghiệp Việt đề xuất không đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại hội thảo góp ý dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều doanh nghiệp game Việt đề xuất không đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển.

Tại dự thảo tờ trình xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là trò chơi điện tử tác động tiêu cực đến người chơi (sức khỏe thể chất, tâm thần), đặc biệt là thanh thiếu niên. Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ định hướng kinh doanh, tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ, vừa mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách.

Đại diện Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí - sáng tạo nội dung số khác.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

Ông Nghĩa dẫn chứng, theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có không đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký.

Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài. Thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022, dù thị trường tiềm năng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài.

Cùng với đó, theo nghiên cứu của Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam cũng chưa có bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.

Do đó, Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo.

Trong khi đó, theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Ông Thắng cho rằng, nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề.

Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Dung, đại diện Soha Game cho rằng mục tiêu của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ trẻ em và người dùng game online vì lý do sức khỏe là đúng đắn nhưng giải pháp đưa ra không hề giải quyết được vấn đề mà luật hướng tới. Nếu áp thuế với doanh nghiệp trong nước, với doanh nghiệp non trẻ thì sao những doanh nghiệp này có thể sống nổi và thị trường game sẽ nằm trong tay nước ngoài và game lậu.

Bà Nguyễn Thị Dung đặt câu hỏi: Ngành game Việt Nam đã có một Nguyễn Hà Đông, nhưng sau đó bạn đó đi đâu mặc dù bạn vẫn làm game? Phải chăng những người làm game, doanh nghiệp game phải ra nước ngoài để phát triển?

Trước đó, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết ngành game của Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ với doanh thu nhỏ, vì vậy, nên có chính sách hỗ trợ ngành này phát triển, thay vì áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online.

An Nhiên

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục