Thị trường nợ đã giúp các công ty Trung Quốc tiến hành các vụ mua lại ở nước ngoài trị giá hơn 310 tỷ USD kể từ đầu năm 2016. Các doanh nghiệp thực hiện nhiều thương vụ M&A nhất sẽ đối mặt với khoản nợ đáo hạn trong vòng 3 năm tới.
Doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước rủi ro vì khoản nợ 126 tỷ USD. Ảnh minh họa
Theo Bloomberg, các doanh nghiệp hăng hái mua sắm nhất Trung Quốc, trong đó có HNA Group và Fosun International, phải trả ít nhất 11,5 tỷ USD trái phiếu và khoản vay từ nay đến cuối năm 2018. Con số này chỉ là một phần của tổng số nợ 1.100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 162 tỷ USD) mà các công ty Trung Quốc cần khi tiến hành vụ mua lại trên thế giới.
Tuy nhiên, việc thanh toán hiện vấp phải khó khăn vì chính phủ Trung Quốc đang kiềm chế cơn sốt M&A của doanh nghiệp nhà ở nước ngoài.
Quy mô của khoản nợ và khả năng chi trả của doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu khiến nhiều ngân hàng quốc tế và nhà đầu tư lo ngại về khả năng chi trả do Bắc Kinh đang buộc giới doanh nghiệp kiềm chế tham vọng M&A ngoại quốc.
Ông Xia Le, chuyên gia kinh tế học trưởng ở Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA (Hồng Kông), cho biết: “Những công ty đang bị giới chức theo sát có nhu cầu tài chính rất cao cho hoạt động M&A. Song giới ngân hàng sẽ tăng cường kiểm soát rủi ro khi cho những hãng này vay tiền từ giờ trở đi. Điều này có thể gia tăng chi phí tài chính, ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng của doang nghiệp”.
Hành động này đe dọa chấm dứt thời kỳ dễ dàng tiếp cận tới nguồn vốn đối với các doanh nghiệp. Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã yêu cầu các nhà băng cung cấp thông tin về khoản cho vay nước ngoài mà họ cấp cho hãng HNA, Fosun, Anbang Insurance Group và Dalian Wanda Group. CBRC đang xem xét những thương vụ M&A để đánh giá rủi ro tiềm ẩn lên ngành tài chính.
JPMorgan Private Bank ở châu Á và Baring Asset Management cảnh báo rằng rủi ro quy định đồng nghĩa với việc giới đầu tư cần phải thận trọng hơn.
Trâm Anh